điều nọ thì trước tiên tôi sẽ không thấu hiểu được chính bản thân mình, tôi
sẽ không quan sát được chính mình, tôi chỉ biết lắng nghe những gì bạn nói
mà thôi. Điều đó có nghĩa là bạn trở thành một sức mạnh áp đặt lên tôi, tôi
trở thành nô lệ của bạn (nô lệ về mặt tâm lý hoặc nô lệ ở bất kỳ hình thức
nào khác). Các mục sư trở nên quan trọng với bạn, họ nói cho bạn biết bạn
cần phải làm gì, phải chào hỏi theo cách nào, tất cả những chuyện vớ vẩn
đại loại như thế. Tôi không chỉ trích hay kết tội ai cả, tôi chỉ nói lên sự thật
mà thôi.
Tại sao chúng ta không nhìn nhận mọi việc đơn giản hơn? Tại sao chúng
ta không nhìn nhận mọi việc theo đúng thực tại về chúng? Xin hãy đối mặt
với mọi việc theo đúng sự thật về chúng, đừng để mình bị cuốn vào mê
cung của chúng. Tại sao chúng ta không đơn giản hơn và nhìn nhận mọi
việc theo đúng sự thật về chúng? Nếu bạn nhìn nhận mọi việc đơn giản hơn
thì chính sự đơn giản đó sẽ giúp bạn phát huy được sự tinh vi trong từng
khoảnh khắc. Nhưng chúng ta không bao giờ đơn giản. Chúng ta luôn phức
tạp hóa vấn đề.
Người chất vấn: Ngài có thể giải thích việc quan sát trọn vẹn là gì
không?
Krishnamurti: Rất đơn giản: Chúng ta có quan sát nhìn nhận mọi đối
tượng một cách trọn vẹn không? Chúng ta có quan sát vợ hoặc chồng mình
theo đúng thực tại về họ chứ không phải qua những hình ảnh mà chúng ta
có được về họ? Nếu tôi quan sát một cách cục bộ (vì trong tôi có quá nhiều
định kiến, thành kiến, có quá nhiều lo sợ, âu lo, khắc khoải) thì tôi sẽ không
bao giờ có thể quan sát một cách trọn vẹn. Trong sự quan sát trọn vẹn
không tồn tại bất kỳ một mâu thuẫn đối kháng nào. Giả sử tôi tức giận, mất
kiên nhẫn, mệt lử. Tôi có thể nhìn nhận điều đó một cách đơn giản. Nhưng
ngay tại khoảnh khắc tôi nghĩ rằng “Ồ, mình không nên tức giận” và đồng
thời tôi vận dụng nhiều lý lẽ khác nhau để biện luận, bào chữa thì khi đó tôi
không thể quan sát một cách trọn vẹn được.