Chuyện này không chỉ là chuyện nhảm. Quét não đã xác nhận những kết
quả này. Khi các đối tượng trong một cuộc kiểm tra MRI được cho xem các
thông tin xác nhận những gì họ đã nghĩ về một chủ đề cụ thể, các khu vực
của bộ não liên đới tới việc học tập đã sáng hẳn lên. Nhưng khi chính các
đối tượng đó được cho xem những thông tin trái ngược với niềm tin của họ,
các khu vực của bộ não liên quan tới việc “kìm nén suy nghĩ” sáng lên.
Điều này cho thấy việc thay đổi suy nghĩ của một người một khi nó đã
được hình thành là rất khó. Đó không chỉ là vấn đề logic; mà còn là cơ chế
sinh học.
Vậy liệu có thể thay đổi suy nghĩ của mọi người chút nào không? Có thể.
Các nhà nghiên cứu nói rằng:
Mọi người sẽ lắng nghe (dù không nhất thiết là phải chấp nhận) thông tin
mới nếu vấn đề đó ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ. Nếu họ chẳng
bị ảnh hưởng gì, họ sẽ lại xoay ngược lại và bám dính lấy niềm tin ban đầu.
Mọi người thường có xu hướng cân nhắc các bằng chứng mới một cách
nghiêm túc (ngay cả khi thay đổi quan điểm của họ) khi trao đổi kỹ lưỡng
với một nhóm nhỏ. Trong một nghiên cứu, người ta thấy những người làm
việc trong những nhóm nhỏ thay đổi suy nghĩ của mình thường xuyên hơn,
gấp khoảng 75% so với khi xem xét một mình.
Những người được yêu cầu trình bày cách thức những ý tưởng của họ
hoạt động trong thực tế có thể nhận thấy họ biết về chủ đề ít đến mức nào
và điều chỉnh niềm tin của họ. Mặt khác, những người được yêu cầu giải
thích tại sao họ lại tin vào điều gì đó thường bám chặt lấy niềm tin của
mình hơn.