ngay bên trên những ngọn cây xanh, những giờ đây cái màu xanh ấy nằm
tít trên cao và ngày một hiếm hoi hơn, mặt trời trượt nhanh hơn về phía Tây
và một khi đã ở đó, nó chìm xuống chậm chạp, to lớn, ngái ngủ, đỏ tía như
quả tầm xuân trong bụi thạch nam, báo hiệu trước sẽ có sương giá. Khi
ngọn gió tươi mát thổi đến từ hướng Nam, những chiếc lá sồi vàng rộm, đỏ
tía cọ vào nhau làm vang lên những âm thanh giòn giã, dễ nhận ra hơn cả
tiếng nước chảy những ngày trước đó. Đó là thời điểm của những chuyến
khởi hành lặng lẽ, của sự sàng lọc ra những kẻ không đủ sức chống chọi lại
mùa đông giá lạnh.
Nhiều người nói rằng họ thích mùa đông, nhưng thực ra cái mà họ thích
là cảm giác mình có thể chống lại mùa đông lạnh giá ấy. Với họ, thức ăn
trong mùa đông không thành vấn đề. Họ có bếp lửa và quần áo ấm. Mùa
đông không thể làm hại họ và vì thế chỉ làm tăng thêm cảm nhận của họ về
sự khôn ngoan và an toàn. Với chim chóc, muông thú và cả những người
nghèo nữa, mùa đông là cả một vấn đề. Loài thỏ, giống như đa số các loài
thú hoang khác, phải chịu đựng sự khắc nghiệt của mùa đông. Tất nhiên là
chúng còn may mắn hơn một số loài, bởi vì thức ăn của chúng gần như bao
giờ cũng có. Nhưng khi tuyết phủ trên mặt đất, chúng phải nằm lì dưới
hang suốt hàng ngày trời nối tiếp nhau, chỉ ăn bằng cách nhai lại. Chúng lại
còn phải đối mặt với bệnh tật nhiều hơn trong mùa đông và cái lạnh làm
giảm bớt sức sống của chúng. Tuy nhiên, những cái hang thỏ có thể khá
tiện lợi và ấm cúng, đặc biệt là khi đông đúc. Mùa đông là mùa kết đôi sôi
nổi hơn so với cuối hè và mùa thu; thời gian sinh sản tuyệt vời nhất cho thỏ
cái bắt đầu từ tháng Hai. Đó là những ngày tươi đẹp khi việc đi kiếm ăn
trên mặt đất vẫn đầy thú vị. Với những kẻ thích phiêu lưu, những cuộc
chinh phạt vườn rau vẫn có sức mê hoặc kỳ lạ. Và dưới lòng đất, những câu
chuyện vẫn tiếp tục được ôn lại, những trò chơi vẫn diễn ra: trò đá bốp và
những trò chơi khác. Với bọn thỏ, mùa đông vẫn chẳng khác gì như với
những người trong độ tuổi trung niên - khó nhọc đấy nhưng có thể chịu
được nếu biết cùng nhau xoay xở và không phải lúc nào cũng không có sự
đền bù.
Ở mặt phía Tây cánh rừng sồi, trong ánh nắng buổi chiều tà, Cây Phỉ và