Chương 1: Quán Sát Nội Tâm
Tóm Tắt Pháp Hành
Phương pháp thực hành này rất dễ học, có ngay kết quả, và thích
hợp ở mọi lúc, mọi nơi, và cho mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Đó là sự
thực hành ngay nơi thân này –cái thân cao dài hơn một sải– do tâm làm
chủ. Thân này sở hữu rất nhiều thứ, từ thô đến tế, rất đáng cho chúng ta
tìm hiểu.
Những ai muốn thực hành Pháp này cần tự tu tập để biết các tiến
trình sau đây:
Thứ nhất, phải biết rằng thân được cấu tạo bởi nhiều thành phần, các
phần chính là đất, nước, gió, và lửa; các phần phụ là các dáng vẻ bên
ngoài dính chặt vào các phần chính như: màu sắc, hình dáng, mùi vị.
Tất cả các thành phần này không bền vững, ô uế và gây phiền não.
Nếu quán sát chúng một cách sâu xa hơn, ta sẽ thấy rằng thực chất của
chúng không hiện hữu. Chúng chỉ là những duyên hợp, và không có gì
đáng để được xem là “tôi” hay “của tôi”. Khi tanhận thức rõ ràng thân
này chẳng có “cái tôi” hay “của tôi”, thì khi ấy ta mới có thể buông bỏ
những sự bám víu hoặc tham đắm vào thân như một thực thể, như cái
ngã của ta, của người, hay cái này, cái kia.
Thứ hai, xem xét các danh pháp (thọ, tưởng, hành và thức). Chú tâm
theo dõi một sự thật là các pháp này đều có đặc tính sinh, trụ, diệt. Nói
cách khác, bản chất của chúng là sinh, diệt, sinh diệt không dừng. Khi đã
nhận thức được sự thật này, ta có thể buông bỏ sự bám víu vào các danh
pháp như những thực thể –như là cái ngã của ta, của người, hay thứ
này,thứ kia.
Thứ ba, sự tu tập ở mức độ thực hành không chỉ là học, nghe hay
đọc. Chúng ta còn phải thực hành để nhận thấy rõ ràng với chính tâm
thức của mình trong các bước sau đây:
Bắt đầu bằng cách bỏ qua một bên tất cả những mối quan tâm ở bên
ngoài, và quay vào quán sát nội tâm cho đến khi ta biết tâm trong sáng
hay ô nhiễm, yên tĩnh hay tán loạn như thế nào. Muốn được như thế, hãy
để chánh niệm, tỉnh giác làm chủ trong khi chúng ta quán niệm về thân
và tâm cho đến khi tâm trụ vững chắc trong trạng thái an tịnh hoặc trung
tính.