Dừng chân uống nước vào làng đã anh.
Không! Không, tôi phải bước nhanh
Kẻo dân ngóng đợi, rừng xanh đón chờ.
— Hay quá!
— Đấy là bài "Tây Tiến ca".
— Đại đội trưởng à! Xin cậu nhạc sĩ Quang Ngọc về đơn vị ta đi. Có thi
sĩ rồi phải có nhạc sĩ nữa chứ!
— Ý kiến hay đấy.
— Đồng chí Chính có con mắt tinh đời đấy chứ. Vào tay ông khác, anh
nhạc sĩ có khi bị mấy trận đòn mê tơi rồi...
— Thôi yên lặng! — Đắc quát khẽ. Hình như anh bị chạm nọc.
Ba chàng trai đã ra tới đường xe lửa; đoạn đường sắt Hà Nội — Vân
Nam này bỏ hoang mới có ít ngày mà cỏ đã mọc cao quá đường ray. Cái
vệt miết ở gờ ray đã hoen hoen gỉ. Vắng lặng. Hai thanh ray đen thui trườn
mãi về xa.
Ven đường sắt, bên hữu ngạn sông Hồng, một dải đất dài là nơi trú ngụ
của những gia đình người Kinh từ miên xuôi lên khai khẩn làm ăn. Đúng
như Chính dự tính, đồng bào ở đây niềm nở đón tiếp ba anh bộ đội, hứa sẵn
sàng giúp đỡ, và cho biết thêm, đêm qua, bọn Quốc dân Đảng vừa cho một
chiếc goòng bốn bánh xuống, hiện giờ vẫn đậu ở cầu Bo.
Ba người lập tức theo rãnh đường tàu đi lên. Cách cầu gần nửa cây số, họ
bò trong cỏ. Quả nhiên, còn khoảng hai chục mét tới đầu cầu, họ đã nhìn
thấy chiếc goòng đậu ở bên kia cầu và trên goòng có một tên lính Quốc dân
Đảng nằm cuộn tròn trong chiếc áo ca pốt dạ.
"Sao lại chỉ có một tên? Hay là bọn chúng vào sục sạo làng nào quanh
đấy, tên này ở lại bảo vệ goòng?". Đắc phán đoán, vẫy tay. Cả ba người
trườn nhanh xuống suối, vụt qua gầm cầu.
Đắc bò lên. Cái goòng đã ở trước mặt Đắc, chỉ cách độ ba bốn mét, nhìn
rõ tên lính quấn mình trong cái áo ca pốt màu cứt ngựa, thò ra ngoài cái
chỏm mũ calô và đôi giày vải cao cổ. Không hiểu nó ngủ hay nó thức?
Như con sóc, Đắc vụt chồm dậy, nhảy phắt tới bên cái goòng, gí súng
vào cái áo ca-pốt: