Có tiếng chân người bước nặng nhọc ở phía sau. Phô-rô-pông quay lại.
Một người đàn ông trạc ba lăm, vai to ngang, nét mặt thuần phác, cũ kỹ,
mặc áo dạ, chân quấn xà cạp, vừa đứng nghiêm trước mặt y. Người này là
viên hạ sĩ quan hầu cận y từ ngày y đổi về Pa Kha.
— Ông đội Cơ đấy ư? — Phô-rô-pông hỏi dịu dàng — Có việc gì đấy,
ông?
Người đội vẫn đứng nghiêm, mấp máy đôi môi dày, tay đưa cứng đơ ra
phía trước một xếp giấy xanh màu lá:
— Thưa ngài, có tin tức từ bên kia.
— À, tôi đang mong. Ông cho tôi xin — Phô-rô-pông nhận tập công
điện, vẫn ngọt ngào — Ông đội Cơ, ông ngồi xuống đây mà nhìn về cố
hương. Tôi tin rằng chúng ta, hôm nay còn ở nơi đất khách quê người.
Nhưng không bao lâu nữa, chúng ta sẽ trở về. Mong ông đừng buồn nhé!
Hơi cúi xuống, cám ơn Phô-rô-pông xong, ông Đội Cơ bước né sang một
bên. Những lời ngọt ngào của Phô-rô-pông không gây một mảy may xúc
động trong lòng ông. “Ông ấy bao giờ cũng vậy, có rầy la ai đâu. Ông ấy
đâu có phải là có máu điên để đến nỗi bắn chết cô vợ Thái ở bên Lào?”
Sương đã bốc lên phủ kín mỏm đồi. Bóng người đội chìm trong sương
mung lung. Tất cả đều mung lung, chập chờn như ảo ảnh. Pa Kha là đâu?
Đâu là cái quán chợ gầy teo có cái gánh lèng phân của vợ anh? Anh trốn nợ
từ Nam Định lên đây đăng lính. Chị chạy loạn từ nơi xa đến. Gặp nhau nơi
đây, thương yêu nhau, tưởng như mọi sự đã an bài. Vậy mà số phận lại một
lần điên đảo. “Mình ơi, mình ở lại làm ăn nhé. Còn sống, tôi lại tìm về.
Bằng không, mình hãy coi ngày này là ngày giỗ của tôi”. Phô-rô-pông giục.
Anh rời tay chị. Bên cái cửa khẩu biên giới có cái cột mốc số 108, chị đứng
trong sương, như hòn đá vọng phu. Đó là ngày Nhật làm cuộc đảo chính
hất cẳng Pháp, giành độc quyền thống trị Việt Nam.
Đâu là cột mốc 108? Đâu là bóng hình người vợ thân thương?
Người đội đứng như cái cột đá trời trồng.
— Ông đội Cơ, chúng ta hãy cứng rắn lên cho xứng đáng là kẻ chinh
phu. Tôi cũng như ông, để lại ở bên kia một cô vợ bé bỏng.