quanh triền núi Con Voi, tạo thành thế liên hoàn cho cuộc kháng
chiến như nghị quyết của tỉnh. Có cảm giác yên lành xiết bao, khi
bước chân đến những nơi heo hút, kín đáo ấy, những làng Dao
ven bờ sông Chảy lan ra gần đường sắt Hà Nội — Lào Cai,
những nơi em đã tới, đã rất tin tưởng.
Em nhớ mãi những đêm họp cơ sở, học “Lời kêu gọi toàn quốc
kháng chiến” của Bác Hồ kính yêu. Cả làng cả dòng họ, ngồi
quanh bếp lửa vàng ấm, nghe lời Bác, thành kính, nghiêm trang.
Miền củ Tẩn Mè Thòn mắt sáng quắc, kể nỗi khổ ngày xưa, rồi
truyền bảo con cháu phải nghe theo lời Bác. Phải đánh thằng
Pháp. Dù có phải ăn củ nâu, củ páng, củ mài thay cơm, ăn tàn
nứa, tàn gianh thay muối cả đời con đời cháu, cũng phải giữ
được nền độc lập. Ở đâu cũng vậy: Khe Vôi, Khe Nứa, Làng
Pèng, Làng Trì, Làng Sủng, Cốc Tủm, Cốc Râm... tất cả những
làng Dao đã nhất tề đứng dậy rồi!
Cảm động xiết bao! Những người Dao còn sống bằng lối canh
tác nguyên thuỷ, còn mê tín, còn sợ thánh thần, ma quỷ, nhưng
lại vô cùng thiết tha với cách mạng. Người Dao nghèo quá.
Nghèo vì trình độ sản xuất thấp kém, lại bị bóc lột triền miên
hàng thế kỷ liền, nghèo vì cúng bái mê tín dị đoan. Làng nào
cũng có vài chục thày cúng, tháng nào cũng có ngày dần, ngày
mão, giờ tị, giờ ngọ... kiêng cữ. Tuần nào cũng có đám cúng đám
lễ. Lễ cấp sắc, lễ đặt tên lại càng tốn kém. Nghèo vì làm ăn còn
bấp bênh. “Một năm mất mùa, bảy năm đói”. Cây lúa trên nương
hết hạn, lại sâu, lại thú rừng về phá. Khổ lắm! Thuốc thang
không có. Quần áo rách rưới. Cơm không đủ ăn. Nồi cơm nhà
nào cũng lổn nhổn củ mài. Trẻ em, có đứa chỉ độc cái áo, đêm
lạnh, ngủ lăn lóc quanh đống lửa, trông mà rớt nước mắt. Người
Dao còn khổ lắm. Nhưng tấm lòng của người Dao với cách mạng
không hề đơn sai. Cả làng bây giờ chỉ ăn củ mài, trẻ con mỗi bữa
được một bát cơm, đồng bào bảo nhau dành gạo cho bộ đội.