này, làng đã gieo thêm hơn năm trăm cân giống lúa nương để
chuẩn bị lập kho dự trữ.
Bây giờ lúa nương đã vào cữ chăm sóc. Chừng hai tháng nữa thì
gặt. Miền củ Tẩn Mè Thòn đã cho thanh niên đi làm lán bí mật
rồi. Đội du kích vẫn tiếp tục ôn những khoa mục do anh Đắc đã
huấn luyện. Em thì chỉ giảng được phần chính trị cho các đồng
chí ấy thôi. Đêm ngày du kích canh gác rất cẩn mật. Có cả một
trạm gác ở bên bờ sông Hồng vì sợ bọn Tây có thể đi đường tắt
từ Phong Thổ, qua đèo Hoàng Liên Sơn, xuống Tả Thàng, Gia
Phú, vào đây bất ngờ. Cái trạm ấy vừa rồi gặp một chuyện vô
cùng kỳ lạ và may mắn. Họ bắt được một cô gái người Kinh ở bờ
sông. Cô này sống ở đây đã vài tháng, chẳng hiểu ở đâu trôi giạt
tới, nấu cơm thuê cho một nhà bè. Bọn nhà bè giở trò đồi tệ, cô
ấy chạy. Du kích hỏi giấy tờ, không có, thế là bắt về. Trời, anh có
biết cô ấy là ai không? Cô Dung! Cô Dung, người yêu của nhạc
sĩ Quang Ngọc. Anh ơi, trên đời còn biết bao nỗi khổ cực, đau
đớn, ê chề. Em đã khóc. Và em nghĩ: Nếu mình không đi làm
cách mạng thì mình thật là một kẻ nhẫn tâm vô cùng. Hiện giờ,
Dung ở với em, vợ anh Khả và cô Bức. Mồ côi cả cha lẫn mẹ,
cũng là cô gái khổ cực, Bức cứ quấn lấy Dung như hai chị em.
Thuốc thang, ăn uống và sống với tập thể (không khéo đây thành
lập được khu gia đình cán bộ mất, anh nhỉ?) Dung đã lại người.
Anh tin cho Quang Ngọc ngay để cậu ấy mừng, và bố trí cho
Quang Ngọc xuống thăm Dung nhé. Mừng cho cô cậu ấy quá,
anh ơi.
Anh kính mến!
Nghe em kể lan man, lộn xộn, chắc anh tưởng em đã làm được
nhiều việc lắm. Không đâu. Lòng đồng bào đã vốn âm ỉ một ngọn
lửa yêu nước rồi. Em chưa làm được việc gì đáng kể, trừ việc em
mở lớp văn hóa thanh toán nạn mù chữ và hiện đang tổ chức
trường thiếu nhi dân tộc và đưa ít tiền trợ cấp của tỉnh về các
thôn, vận động đồng bào khai hoang thêm ruộng.