Cảm xúc dồn dập tới. Giai điệu, tiết tấu đang kết hợp thành hình tượng.
Môi Ngọc thầm thì câu hát.
— Đồng chí nào hát đấy?
Chợt có tiếng ai quát. Môi Ngọc khép chặt, lưu luyến câu nhạc. Tâm mặc
áo săng đay, khẩu các-bin cầm tay, từ phía sau cánh rừng vừa đi tới. Anh
dừng lại, gãi gãi cái thái dương bạc:
— Trời, ông nghệ sỹ. Lại đàn! Ra trận mà cũng đàn à?
Ngọc xếp tờ giấy trên bầu đàn, ngượng nghịu:
— Tôi cảm hứng quá. Định viết bản nhạc nhan đề là “Giải phóng”.
— Sáng tác hả?
— Vâng ạ.
Tâm cúi nhìn. Cây đàn Tâm quăng hôm đánh vào thị xã vỡ toang một
miếng ở đáy được nhấc lên, dựa vào vai Ngọc.
— Sao, vẫn cái đàn cũ à?
Ngọc ngẩng lên, cười:
— Nó vỡ lại hóa ra ấm tiếng, anh ạ.
— Thôi... tớ xin lỗi — Tâm vỗ vai Ngọc. Tớ dốt! Nhưng mà Ngọc ạ, cậu
phải làm thế nào sáng tác được một bản như “Quốc tế ca” ấy. Nghe hát mà
tâm can cứ rừng rực, như có trống thúc trong lòng ấy. Thôi, tớ đi đây. Khe
khẽ chứ. Hát lẩm bẩm thôi nhé.
Giặc vẫn chưa tiến quân.
Tâm quay về làng Mán Tòng Sành, nơi đóng quân của ban chỉ huy mặt
trận. Đêm đen kịt. Những vệt lân tinh sáng xanh, ao ảo. Mùi nứa mục ải
tanh ngái. Qua khoảng rừng âm u, trời bỗng thoáng đãng.
Từ ngoài sân, Tâm đã nhìn thấy ánh lửa cháy to ngần ngật trong gian bếp
và nghe thấy tiếng người cười quen quen,sảng khoái.