Vừa lúc ấy, có tiếng rên khe khẽ ở phía sau ông cụ. Ông cụ rời Ngọc bò
vào phía trong, lát sau quay trở ra, chặc chặc lưỡi:
— Khổ quá, nam quốc nam nhân mà đối xử với nhau sao nỡ tàn tệ thế!
— Ai đấy, hả cụ!
— Nào biết!
— Thế cụ vào đây lâu chưa?
— Nhõn có năm ngày. Vào bót ba hôm, rồi bị giải ra đây, tôi đã thấy anh
Cang đánh đàn ở nhà thờ bị giam ở hầm bên. Còn anh này thì mới vào đây
tối qua. Nghe nói, hình như anh ta là hội kín, ở dưới xuôi mới lên làm thợ ở
đề-pô.
Một vầng sáng chợt hiện trong óc Ngọc. Ngọc nhớ ra rồi. Cái đêm ở
quán trà Biên Thùy. Buổi chiều ở nhà ga đề-pô Phố Mới.
Trời hửng dần. Qua lỗ thông hơi, rạng đông rót ánh sáng dè sẻn vào căn
hầm. Mới có một đêm mà trông anh đã khang khác, đôi mắt thoảng vẻ ưu
tư mơ màng đã đọng sâu thâm trầm, phảng phất nỗi ân hận và vẻ buồn thê
thảm. Đối diện với anh là cặp mắt to, lòng đen tròn như hạt nhãn, vừa thật
thà, vừa tinh quái của ông lão.
Người thợ ở đề-pô Phố Mới cũng tỉnh dậy lúc đó. Anh xoay người.
Những khớp xương sưng tấy nhức đến tận óc.
— Anh để tôi lấy nước tiểu bóp cho nhé — Ông lão lê lại gần người thợ
— Anh ạ, được ra, anh đến nhà tôi, tôi cho anh ít mật gấu mà bóp. Anh
Pao, người H'Mông ở Pa Kha, anh ấy cho tôi, tôi vẫn để dành. Một lần, ông
chủ sự Bằng bước hụt cầu thang, bị bong gân, tôi bóp cho nhõn có lần mà
khỏi tiệt.
— Cảm ơn cụ, con không đau lắm đâu.
Người thợ ngồi dậy, tựa lưng vào tường. Cái săng đay cứng quèo những
vệt máu khô. Một vệt máu đọng dài ở thái dương, qua má, xuống cằm. Máu
bầm cả ở vầng trán cao. Và cặp mắt anh khép hờ, như bị đau, sợ tia sáng
chói gắt của ban ngày.
— Khổ quá, nó tra điện, rồi nó đánh anh ấy bằng roi cá đuối đây mà.
Chậc! Người mình với nhau mà...
Ông lão nói với Ngọc rồi quay sang người thợ: