Đông nhất là bọn học sinh quân, bọn này thuộc: "Anh dũng phái", vai đeo
huy hiệu hình đầu lâu trắng mà mặt ngơ ngác, xanh xám.
— Ông giáo bi-a ở Yên Bái kia kìa.
— Chúng mày ơi, lão Paulus Tánh.
— Xếp Phác! Kìa, Phán Lục nữa!
— Đ. mẹ! Một trăm đồng bạc cái đỉnh của ông đâu rồi!
— Bắn chết cha cái thằng điên kia đi!
Thằng điên. Đó chính là tên học sinh quân đang hò hét trên một cái toa
đĩa. Nghe vậy, y liền nhảy xuống đất, cười sằng sặc.
— He, he... chúng mày lừa ông vào học trường Vô tuyến điện, rồi chúng
mày lại đẩy ông lên đây à... Đ. mẹ chúng mày.
Khanh cau mặt khó chịu. Nhưng Lộc đang lắp xắp bước tới, hoạt bát và
nhanh nhẹn, gõ giày đánh cộp và đưa tay lên vành mũ kê-pi:
— Kính chúc đảng trưởng cùng bửu quyến khương an,vui vẻ.
— Ồ! Chào anh Lộc! Kìa Phi Linh! Anh Lộc ra đón chúng ta, đẹp như
tướng đi duyệt binh, không hề có mùi chiến trận nhé.
Khanh chìa tay đón tay Lộc. Cái miệng rộng tươi hơn hớn. Cặp lông mày
sâu róm đen đậm nhướng cao.
Trắng trẻo, đẹp mã, cao lớn trong bộ quân phục kỵ binh Pháp, quần ngựa
ka ki, đùi bành rộng như bạnh cây, chân đi ủng da, Khanh có dáng vẻ một
trang phong lưu công tử.
Lộc đi cạnh Khanh, hai tay xoa trước bụng, lắp bắp:
— Trình... đảng trưởng đi đường chắc là vất vả?
— Thật là gian truân — Khanh búng tay, hất đầu — Thật là một con
đường máu. May mà các chiến binh ta dũng cảm. Tình hình ở đây khá chứ,
anh Lộc?
— Dạ... thưa... Xin đảng trưởng yên tâm ạ.
— Tốt! Tốt!
Khanh gật đầu, bước ra khỏi sân ga, vào con đường nhựa, giữa hai hàng
rào lính danh dự.
Dù muốn hay không Khanh cũng thấy cái trấn biên giới quen thuộc với
Khanh xao xác, tiêu điều rồi. Viền hai bên đường là những cây bàng, cây