không có phước để giữ món quà của Thượng Đế đã cho ta đến ngày nay.
Đến một cái tuổi mà mọi đứa con gái bắt đầu băn khoăn về tình yêu thì ta
đâm đầu về cội nguồn của mình, về cha, về mẹ, về hai món quà thiêng
liêng mà ta tưởng đã làm mất đi rồi.
Đông Hà đi vào, khóa cửa lại, rồi ngồi một mình ở sa-lông. Bóng tối thì
thầm chung quanh. Căn nhà nầy, không phải là nhà của mình. Đông Hà đã
biết vậy từ khi về đây. Nhưng lúc nầy, hơn bao giờ hết, Đông Hà cảm thấy
thật rõ ràng sự hiện diện vô lý của mình ở đây. Tại sao tôi lại phải sống ở
đây, trong khi cha mẹ tôi vẫn còn? Cậu mợ Phong như muốn tránh mặt
Đông Hà chăng, nên đã vào phòng sau khi ăn cơm tối. Cậu mợ không nhìn
thấy hôm nay là sinh nhật của con hay sao? Một lễ sinh nhật gượng gạo và
bất ngờ, nhưng chắc phải đủ để nhắc với cậu mợ một chuyện quan trọng.
Đông Hà mở to mắt trong bóng tối. Có tiếng nói chuyện của cậu mợ trong
phòng, sau bức vách nầy. Cậu mợ còn thức. Nhưng Đông Hà không có can
đảm vào xin gặp hai người. Đông Hà đến mở tủ sách, lấy quyển vở Toán
của mình ra.
Sau lớp giấy bao màu xanh, lá thư vẫn còn. Đông Hà nhẹ tay bật ngọn đèn
bóng nhỏ để trên đầu tủ. Ánh sáng không đủ soi tỏ nét chữ trên lá thư.
Nhưng Đông Hà đã đọc gần như thuộc lòng cả rồi. Một tuồng chữ cứng rắn
nhưng hoa mỹ vô cùng. Chữ của người cha. Cha của ta đang ở một nơi nào
mà ta không biết được, nhưng đang hướng về ta bằng tất cả tình thâm. Lá
thư không ghi địa điểm, không có ngày tháng, nhưng màu giấy ngà ngà cũ
cho Đông Hà biết là người cha viết gửi đã lâu rồi. Và hôm dẹp bỏ cái tủ áo
bị mối gặm gần phân nửa, mợ Phong đã vô ý đánh rơi bức thư, và Đông Hà
nhặt được.
“Anh chị Phong thân mến,
Mãi lâu không thấy anh ghé chơi, tôi nóng ruột lắm, nhưng luôn luôn tin
rằng anh quá bận rộn vì ngày hai buổi với chức nghiệp, còn chị thì khỏi