lực để nhìn vào thực tế. Còn bây giờ, xin anh chị hãy giúp nó tin rằng cha
mẹ nó đã chết trong ly loạn như nó vẫn hằng tin.
Cầu chúc anh chị được nhiều sức khỏe và gặp vạn điều may mắn.
Thân,
Lê Văn Thư”
Đông Hà gấp mảnh giấy lại, thẫn thờ . Trong thâm tâm như có tiếng thúc
giục: “Mau lên, Đông Hà! Còn chần chờ gì nữa? Cậu mợ sắp đi ngủ rồi”.
Đông Hà đứng phắt dậy, quay người vào đúng lúc cậu mợ Phong xuất hiện.
Mợ hỏi:
- Con chưa đi ngủ sao, Đông Hà?
Giọng của mợ êm ái như chưa bao giờ. Rồi cậu Phong đằng hắng:
- Học bài mà sao để đèn lù mù vậy Hà?
Đông Hà cúi đầu đáp nhỏ:
- Thưa… con định đi ngủ. Cậu mợ chưa ngủ sao ạ?
Cậu đưa mắt nhìn mợ rồi nói:
- Cậu đang tìm… à, tìm giấy tờ, mà không thấy. Đông Hà, con còn giữ
bản khai sinh nào của con không?
- Dạ… con đã nộp lần hồi cho nhà trường.
Cậu chắc lưỡi rồi ngồi xuống ghế. Mợ cũng lẳng lặng ngồi xuống. Không
ai nói với ai điều gì. Đông Hà nghe tim mình đập nhanh trong lồng ngực.
“Nói đi, Đông Hà! Nói hôm nay là ngày con mười tám tuổi, đủ lớn và đủ
can đảm để nhìn vào thực tế. Cậu mợ không cần tìm giấy khai sinh của
con”. Tiếng nói nào đó vẫn thúc giục. Nhưng câu chuyện không được bắt
đầu dễ dàng như người ta bắt đầu hát một khúc ca quen thuộc.
Đông Hà đặt quyển vở Toán lên bàn, và bức thư. Cậu và mợ không hẹn mà
cùng giật mình, nhìn Đông Hà rồi nhìn nhau. Cậu hỏi:
- Đông Hà, con lấy bức thư nầy ở đâu?
Đông Hà cố gắng nói thật bình tĩnh:
- Thưa cậu, con nhặt được hôm dẹp tủ áo.