- Con đã hiểu một phần đời sống của ba con?
- Dạ..., con muốn hiểu hết.
- Mợ sẽ nói hết. Nhưng có hai điều mà mợ muốn con xác nhận. Thứ
nhất, là con có cảm thấy rằng con đủ lớn và đủ nghị lực để nghe chuyện của
con, của ba mẹ con không?
Đông Hà nắm chặt bàn tay lại, nói giọng rắn rỏi:
- Thưa mợ, con đã lớn. Con sẽ nhận hết, dù có xấu xa hay khổ sở đến
mấy.
Mợ mỉm cười:
- Điều thứ hai, là mợ mong con hiểu rằng, cậu mợ kể cho con nghe về
cuộc đời của con để con biết, chứ riêng cậu mợ, không bao giờ muốn dứt
con ra khỏi gia đình nầy…
Mợ ngừng lại, lau giọt nước mắt vừa ứa ra vì cảm động, và nói tiếp:
- Con hãy hứa con vẫn là con của cậu mợ cho đến ngày con thật sự
thành tài.
Đông Hà nắm tay mợ Phong bóp chặt và gật đầu. Mợ nói, bằng giọng êm
đềm, như sợ một chút sơ hở sẽ làm tan biến nét bình tĩnh trên mặt đứa con
gái:
- Ba con là ông Lê Văn Thư, con đã biết rồi. Không có một sai lầm
nào trên lý lịch của con. Nhưng con không phải là cháu của cậu mợ. Ba con
thuở xưa học cùng một lớp với cậu và mợ ở tỉnh nhà, thân nhau lắm. Cả lớp
ai cũng biết tiếng “bộ tứ” là cậu, mợ, ba con và một cô bạn nữa, rất quý
nhau và thương nhau như anh chị em một nhà. Học hết trung học, cậu và
mợ vì có duyên số với nhau nên thành hôn và thuyên chuyển về đây. Cậu
theo nghiệp công chức. Còn ba con vì thích sống dọc ngang nên vào quân
đội. Thế thôi. Bẵng một thời gian cậu mợ không gặp ba con. Tình cờ gặp
lại ba con, mới biết là ông đã lập gia đình và có một đứa con gái.
Đông Hà hỏi khẽ:
- Mẹ con có phải là người bạn gái của ba con và cậu mợ thuở đó
không mợ?
- Không. Hai người xa nhau từ hồi còn ở quê nhà lận, mợ không hiểu
vì sao. Còn mẹ con thì ba con gặp lúc đã ra trường. Cậu mợ không có dịp