Nhưng Đông Hà mắt ráo hoảnh, chờ đợi mợ nói tiếp. A, có thế chứ! Mẹ có
gia đình khác thì mới bỏ con. Con là gánh nặng. Mẹ trút gánh nặng ấy cho
hai người bạn nghèo. Con có thể không thắc mắc về mẹ nữa. Nhưng còn
ba, ba đang sống như thế nào?
- Ba con sống từ thuở đó tới nay, hơn một nhà tu, hơn một ẩn sĩ.
Đông Hà lay mạnh tay mợ Phong, hỏi dồn:
- Ba con ở đâu hở mợ? Ba con về quê phải không?
- Ở đây, ở tại thành phố nầy.
Đông Hà trố mắt ngạc nhiên quá đỗi. Ba ở tại thành phố nầy? Ở đâu? Sau
vườn một ngôi chùa? Cạnh hang đá của một nhà thờ? Hay lây lất ở một
xóm nhỏ nào?
- Mợ nói cho con nghe mau đi mợ. Sao ba con không đến thăm con?
Sao ba không cho con gặp mặt? Ba con ở đâu?
Cậu cất giọng trầm trầm:
- Đông Hà, con mất bình tĩnh rồi đó. Con không nhớ ba con đã viết gì
sao? Ông muốn con được thảnh thơi để học hành, vì con còn nhỏ quá.
Những năm qua, cậu mợ đã làm được một phần lời ủy thác của ông. Đến
ngày nay con đã đủ sức để gặp ba con, có muộn màng gì đâu? Cậu mợ đâu
có lừa dối con. Con cũng đâu phải là người ích kỷ.
Đông Hà nói tha thiết:
- Nhưng ba con đến nỗi nào cậu mợ ơi!
Mợ lắc đầu:
- Có đến nỗi nào? Chỉ có lòng thương con của một người tuyệt vọng
mới đến nỗi. Đông Hà, can đảm lên con nhé. Ba con ngã xuống trong một
trận đánh lớn, không có một chiến hữu nào trở về. Ba con bị cưa mất hẳn
một chân, chân còn lại cũng tê liệt luôn. Ba con chết nửa thân người…
Cùng một lúc với tiếng nấc của Đông Hà, mợ Phong không còn đủ sức để
nói tiếp nữa. Mợ gục đầu trong bàn tay. Cậu Phong dụi mẩu thuốc lá cuối
cùng vào chiếc gạt tàn. Không khí như đặc quánh lại quanh đây. Cậu thở
dài. Anh bạn thân yêu của tôi! Đã đến ngày mà cậu cháu tôi, mợ cháu tôi kể
lể với nhau như một tuồng tích về cuộc đời của anh đây rồi!