để tìm hiểu nhiều.
- Thưa mợ, con chưa hiểu.
- Là vì cậu mợ không thường gặp hai người. Ba con nay đi trận nầy,
mai đánh trận khác. Cho đến một ngày, ba con ngã xuống trên chiến
trường.
Đông Hà cắn chặt môi. Ba ơi! Con đã nhìn thấy đời ba. Mợ Phong để lắng
cảm xúc xuống sau phút giây yên lặng. Cậu lại châm một điếu thuốc mới.
- Ba con trở về bằng một hình hài đã mất hết hai phần ba sức sống. Mẹ
con gánh vác gia đình một thời gian rồi gửi con vào cô nhi viện. Ba con
nằm một mình ở bệnh viện không thấy mặt vợ con. Chính cậu đem tin ấy
đến cho ông. Ông đau khổ biết dường nào và nhờ cậu mợ nuôi dùm Đông
Hà cho đến ngày con khôn lớn.
Đông Hà cúi đầu, nghe như tuổi nhỏ đang trỗi dậy. Đông Hà làm sao quên
được viện cô nhi, ngày mà con bé năm tuổi nhớn nhác nhìn quanh, lũ bạn
nhỏ nắm tay hát những bài hát lạ hoắc. A, gương mặt của mẹ từ đó cũng xa
ta. Còn ba, ba thì đã vắng nhà từ lâu. Rồi cậu mợ đến dẫn ta về. Đông Hà
tin đó là cậu mợ ruột. Và tin lời cậu mợ ”Ba mẹ của con đã chết trên đường
về quê”. Từ đó chấp nhận một thân phận côi cút, can đảm sống một đời
sống kham khổ với cậu mợ, và oán ghét một quê nhà nào loạn lạc quá, làm
chết ba, chết mẹ, rồi … quên dần, không còn nhớ nét mặt của ba của mẹ ra
sao. Khó mà vẽ được hai hình ảnh đó trong trí nhớ. Lâu quá rồi, mười ba
năm, con không muốn nhưng đành phải bất hiếu.
Giọng Đông Hà sũng ướt:
- Mợ, mẹ con đi đâu?
- Mợ không biết rõ, hình như là đi xa lắm. Đông Hà, con vẫn đủ can
đảm để biết là mẹ con đã có gia đình khác?
- Trời ơi!... Dạ, con hiểu.
Cậu như không cầm lòng được trước cảnh một đứa con gái nhỏ gắng sức
chứng minh mình là người lớn, lên tiếng:
- Đông Hà, con cứ khóc. Bằng tuổi nầy, như cậu đây mà còn đau đớn
thay. Ba con mong muốn con là một người can đảm, có nghị lực, nhưng
không phải là người mất tình cảm.