trẻ lắm. Tình cảm của các con đẹp lắm. Nhưng một bông hoa đẹp cần phải
được vun bón. Tình cảm đẹp cần phải được xây dựng trên những căn bản
vững vàng. Con biết là gì không? Đó là tình người, là lý tưởng và sự thủy
chung.
Len xuất hiện từ cửa sau. Ba nghe động, quay lại rồi nói:
- Len! Cho chú xuống xe dùm một chút.
Len giở tấm chăn, bế ba xuống ngồi vào xe lăn, rồi đắp tấm chăn lên chân
ba. Đông Hà rớt nước mắt. Ba đang nối tiếp một cuộc chịu đựng vĩ đại,
không có tiếng than, không có tiếng thở dài, mà bằng một nụ cười.
Ba cười thật, và nói với Đông Hà:
- Con thấy không? Len nó làm được những việc mà một đứa con gái
như con không thể làm. Con hãy gắng học hành, giúp đỡ cậu mợ và mai
sau đền ơn cậu mợ bằng cách nuôi dạy hai em của con.
Đông Hà đẩy xe đến gần cửa sổ.
Buổi sáng ở khu trại êm đềm vô hạn. Bên kia đường, một người đàn bà trẻ
đang đẩy xe cho chồng. Ba nói thật bùi ngùi:
- Những người tàn phế có một điều đau khổ lớn nhất, đó là trước tiên
họ đánh mất hình ảnh của chính họ. Nhưng họ sống được là nhờ những
niềm an ủi xung quanh. Người kia sống được là vì có vợ anh bên cạnh. Còn
ba, ba không còn cần thiết hạnh phúc của ba nữa. Ba sống vì hình ảnh của
con, vì sự thanh khiết của một tuổi trẻ, của một tình yêu. Ba đang cảm thấy
là ba chưa già. Ba còn nhiều ước nguyện lắm. Sau nầy, khi Đông Hà thành
đạt theo như ba mong muốn, cha con ta sẽ về thăm quê ba. Con biết nơi nào
không? Đông Hà. Ừ , nơi đó cũng mang tên Đông Hà như con. Ba sẽ dẫn
con đến ngôi trường mà ba học lúc còn để chỏm. Ba sẽ chỉ cho con thấy
căn nhà của ông bà nội. Còn nữa, Đông Hà! Có một khúc sông rất êm đềm,
con ra đó, sẽ thấy cả một thời thơ ấu của ba. Chưa hết, khi về quê, con phải
tập nói cho quen giọng địa phương. “Con trâu” thì nói là “côn tru”, “ông
Lý Toét” thì nói là “ôn Lý Tuết”, nghen Đông Hà!....
Ba nói không biết mệt, nói say sưa như một văn sĩ. Nắng xuống chan hòa