Phân trần
Nếu không có tài dàn xếp của bao sự ngẫu nhiên thì đâu có quyển
Đông-Lai bác nghị nầy !
Đầu tiên, một vị túc nho của chốn Thần kinh, lúc tản cư vào Sài-thành,
ngẫu nhiên đến trú ngụ cạnh phòng khám bịnh của chúng tôi. Đó là việc hệ
trọng : vì đối với chúng tôi, bực đại nhân ấy là một người thầy đáng kính,
mặc dầu Cụ vẫn có nhã ý tự xem mình là bạn vong niên ; vì đối với quyển
sách này, bực lão thành ấy mới thật là người cha tinh thần, mặc dù Cụ ấy
vẫn một mực chối từ không nhìn nhận.
Vả lại, vì muốn giữ vẹn cốt cách của nhà ẩn dật, Cụ yêu cầu chúng tôi
đừng nêu danh Cụ vào trong sách ! Thật đáng phục thay đức tính khiêm tốn
của bực nho phong, mà cũng khổ cho chúng tôi vì phải dài dòng nhắc lại
tiểu sử của bổn dịch mà chỉ được phép dùng một chữ « Cụ » vỏn vẹn để kể
cho tròn câu chuyện !
Thì cũng bởi vai tuồng quan trọng của vị túc nho ấy trong khi phiên
dịch cho nên chúng tôi xin độc giả niệm tình tha thứ khi thấy chúng tôi lắm
lời nói về thân thế của một người đương cầu xin đời đừng nhắc đến tên.
Sanh trưởng trong một thế gia của chốn đế đô, cha làm Thượng thơ bộ
Lễ, thì khi vào sân Trình, Cụ chiếm bằng cử nhân, việc ấy, theo chúng tôi,
cũng chưa đáng kể. Đáng nể là khi rời cửa Khổng để theo tân học, chỉ trong
mấy năm Cụ theo kịp các bạn đồng niên nơi lớp tú tài « Tây » ! Rồi sang
Pháp để trau giồi học mới, rồi xông pha nơi bể hoạn, rồi cuối cùng nối được
chức của cha, thì với sức học đó, với thông minh đó, âu cũng là một việc có
thể đoán trước được.
Ngày nay, đã chứng kiến bao cuộc bể dâu, Cụ chỉ còn giữ lại một ham
muốn là tận hưởng chữ « nhàn » trong thời hưu trí. Muốn được thế, Cụ ẩn
mình trong đám rừng người để thưởng thức một câu thơ đẹp với chén trà