nó mà lão ấy chỉ biết uống rượu, rượu lại từ những gánh củi mà nó phải vất
vả, mệt nhọc hàng buổi mới có. Lão ấy uống hết, ăn hết cả phần của nó, lại
đốt sách vở không cho nó đi học và lại còn đòn roi thượng cẳng chân, hạ
cẳng tay với nó nữa. Thằng Hữu tự nhiên thấy ngán ngẩm lão Bành. Thằng
Hữu lắc đầu, chép miệng: Chả nhẽ cứ phải sống mãi cảnh này sao? Nó thở
dài và thầm kêu bố, kêu bầm. Nó tựa lưng vào bó củi nhìn trời. Chợt có
tiếng sột soạt từ trong đám cây Mua đi ra. Thằng Hữu vội đứng choàng dậy.
Bà Tứ vó tôm đã đi lại gần chỗ gánh củi của nó. Nó vội khoanh tay:
- Cháu chào bà Tứ ạ. Bà lên rừng làm gì thế?
Thấy nó ngoan ngoãn, bà Tứ ngẩn người vì trong đầu bà bấy nay
không hề có nó, bà ghét lão Bành thành thử ghét luôn cả nó, bà quên mất sự
trống vắng của một đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Bà nhìn nó giọng ngọt ngào:
- Sao cháu không đi học mà lại vào rừng lấy củi một mình?
- Dạ, lão Bành đốt hết sách vở của cháu rồi, lão ấy bảo: “Không phải
học hành gì hết, cứ ở nhà lớn lên đi cày, học hành làm gì cho tốn giấy, tốn
mực" Hàng ngày lão ấy bắt cháu đi chăn trâu, kiếm củi về đổi quán bà Nhỏ
lấy rượu cho lão ấy uống. Cháu sợ lão ấy lắm. Cháu trách bầm cháu chả
biết tự nhiên lại rước lão ấy về rồi lại vội chết đi để cháu cực quá bà ơi!
Thằng Hữu nói như muốn khóc. Bà Tứ nhìn nó ngậm ngùi, bà chưa
biết tìm câu gì để an ủi nó cho phù hợp thì thằng Hữu lại hỏi:
- Sao hôm nay bà không kéo vó tôm mà lại vào rừng lấy củi, bà có
mua gánh củi này không? Nếu bà mua cháu sẽ gánh về tận nhà cho.
Bà Tứ cười:
- Bà vào rừng đào khúc rễ Mí để ăn trầu nhưng cây mí to, rễ chìm sâu
quá bà không đào được, bà đành vạc tạm cái vỏ nó về để ăn cho đỡ nhạt
miệng.