Anh cán bộ tuyên huấn đi rồi, câu chuyện vần các phuy
xăng qua suối Trà Ang mà Thục đã kể lại ong ong trong đầu
Ngọc. Trung đoàn bây giờ không phải là trọng điểm Trà Ang,
nhưng cũng có nhiều đoạn tuyến bom có thể ụp xuống đầu bất
cứ lúc nào. Vậy mà mỗi đợt vận hành, khi tuyến bị sự cố là
phải rải quân lên khắp tuyến để tìm. Những lần rải quân lên
tuyến như vậy, có khi vấp phải thương vong không đáng có.
Ban ngày đi một nhẽ, còn ban đêm thì vô cùng cơ cực, nhất là
lúc những nhóm tuần tra dính bom tọa độ. Rồi đủ thứ nguyên
nhân khác gây sự cố: nước lũ, cây đổ, đá đè, một cái ngoàm bị
bom giật nứt, đến lúc không chịu nổi áp suất, bục vỡ... Liệu có
cách gì thông qua các số liệu vận hành, từ Sở chỉ huy, có thể
khoanh được khu vực bị sự cố không? Ngọc thầm reo lên: Có
thể lắm chứ. Đường đo áp suất trên tuyến cắt địa hình ở đâu,
thì đó là nơi áp suất bằng không, cũng là nơi ống bị đứt. Nhưng
nếu ống không đứt thì làm thế nào để khoanh được khu vực
xẩy ra sự cố? Đây xem ra là một đề tài lý thú đây, nếu giải được
bài toán này thì sẽ có ích lắm, thậm chí bớt được xương máu
cho bộ đội. Bắt đầy từ hôm ấy, Ngọc lao vào tính toán. Mấy
đêm liền thức trắng, Ngọc gầy rộc, khuôn mặt võ vàng. Có buổi
sáng giao ban, Đại úy Công, Tiểu đoàn trưởng 96 vừa được bổ
nhiệm Tham mưu trưởng Trung đoàn, nhìn khuôn mặt bơ phờ
của Ngọc kinh ngạc: "Cậu làm sao mà trông như ở Thượng
Cam Lĩnh(*) về vậy? ". Bài toán quả thật không đơn giản chút
nào. Ngọc chia sẻ với Quang. Từ hôm ấy, hai cái đầu chụm lại.
Lại đưa phương án, rồi phản biện, rồi nghiên cứu các số liệu
vận hành. Cho đến một hôm, Ngọc reo lên: Có lối ra rồi. Chỗ
ống thủng chính là chỗ đường đo áp bị gãy. Ta sẽ đi theo hướng
này chắc chắn đến đích.
(*) Một địa danh xẩy ra tác chiến đẫm máu giữa Chí nguyện
quân Trung Quốc với quân Mỹ trong cuộc chiến tranh Kháng
Mỹ viện Triều.