Rồi những ngày tháng ấp ủ tình yêu và nỗi nhớ đau đáu,
thầm lặng khi được sống gần em cũng qua nhanh. Anh trở
thành một sĩ quan phục vụ ở một đơn vị xa Hà Nội, ít có dịp về
thăm em. Còn em vẫn là cô nữ sinh năm cuối đại học ở Hà Nội.
Cuộc chiến tranh khắc nghiệt đã lôi cuốn anh vào như biết bao
cháng trai khác cùng trang lứa. Chiến tranh đã rèn cho anh
bản lĩnh của người sĩ quan. Anh đã chịu đựng mọi gian khổ,
anh đâu ngại ác liệt hiểm nguy. Vậy mà khi chia tay em vào
công tác tại tuyến lửa Quảng Bình, anh vẫn không đủ can đảm
nói với em một tiếng yêu. Đành sống trong sự giày vò bởi tình
yêu và nỗi nhớ. Nỗi nhớ cồn cào cứ theo anh suốt những chặng
đường hành quân vất vả, theo anh sau mỗi phút hiểm nghèo.
Nỗi nhớ theo vào giấc ngủ, nỗi nhớ hiển hiện ngay khi anh
thức giấc mỗi bình minh. Đôi mắt nâu, sâu thẳm cứ dõi theo
anh, nó làm anh buồn khi chiều xuống, nhưng nó cũng làm
anh cảm thấy yêu cuộc sống hơn. Nỗi nhớ cứ như một thứ ma
lực kỳ diệu khiến anh cảm thấy mình thật đáng sống.
Anh tự hạ quyết tâm phải tìm cơ hội để bày tỏ lòng mình,
nhất là khi nghe anh Sơn nói rằng em chưa thực sự yêu ai.
Ngay cả Vịnh cũng chỉ mới dừng lại là người bạn. Sơn còn kể
rằng nhiều chàng ngỏ lời nhưng em đều từ chối. Thậm chí có
chàng đi du học về, tỏ tình với em, cố tình khoe khéo có công
việc tốt, có xe máy, có căn hộ trên phố. Em cảm thấy dường
như bị xúc phạm nhưng vẫn tế nhị từ chối bằng một lời tán
dương pha chút diễu cợt nhẹ nhàng: "Vậy là anh có đủ hết rồi,
chỉ còn thiếu một người bạn đời lý tưởng nữa thôi. Em chúc
anh tìm được một người vợ có thể quản lý được tài sản và sinh
cho anh những đứa con. Còn bọn con gái ngành sư phạm
chúng em thì không bao giờ có diễm phúc ấy đâu. Mong rằng
anh đừng có nói với em những lời đó". Sơn nói: "Mình biết em
gái mình lắm. Nó không phải là đứa kiêu kỳ khi trả lời như vậy
đâu. Nó là đứa sống có chiều sâu và quý trọng sự chân tình."