thương con trai sớm thế!) hai đứa thường tách ra khỏi đám bạn để chơi
riêng với nhau, cậu ta thường cho mình đồ chơi làm bằng lá dừa đan, bánh
kẹo và chỉ mình làm toán trong lúc mình chỉ cho cậu ta bài tập làm văn.
Cuối năm học đó gia đình cậu ta dọn đi nơi khác và những mơ mộng của
nàng cũng dần dần tan biến như mây khói phù du.
Ngọc Thu quên rằng gần đây nàng nhận thấy khuôn mặt Đức Lai, em trai
Mỹ Xuân rất giống cậu bạn học lớp nhất của nàng: cũng má lún đồng tiền,
cũng mắt lá răm, cũng cằm chẻ mà con trai trời ạ. Mặt khác nàng cũng
quên hay đúng hơn không ngờ rằng phả hệ chính trị của mấy đứa trẻ
thường làm chúng không thể hòa nhập với các bạn học khác mà lập thành
một nhóm riêng.
Năm đệ tứ cuối cấp đã tạo ra nhiều chuyển biến lớn trong bốn đứa trẻ. Một
phần tích cực vì chúng đã trở nên đằm tính hơn như con thuyền lớn có
trọng lượng dằn tàu, phần khác tiêu cực do bị ảnh hưởng của sự xuyên tạc
hai môn giảng văn và lịch sử.
Một hôm Võ Tấm, một người bạn chiến đấu của Văn Cám và gia đình Mỹ
Xuân thường đến nhà ve vản Mỹ Xuân vì biết Văn Cám đã vào rừng sẽ lâu
lắm mới trở lại nếu không nói chẳng có ngày về. Hắn tình cờ cầm cuốn
sách văn và sử của hai đứa nhỏ trong nhà lên coi thử, hắn tái mặt. Sau khi
hội ý với Mỹ Xuân, Tối hôm đó Võ Tấm lại đến kêu thằng Mạnh Cường và
Huy Khang lại nói:
“Dì Mỹ Xuân nhờ tao giáo huấn hai đứa mày. Tụi bay không được tin vào
những gì trong sách văn và sách sử viết nghe không.”
“Sao vậy chú, không lẽ thầy dạy sai,” thằng Khang hỏi.
“Thầy dạy sai và sách viết tầm bậy. Này nhé Ngô Đình Diệm không phải là
chí sĩ mà là thằng Diệm, muốn thay Tây vừa truyền đạo vừa duy trì chủ
nghĩa thực dân tại xứ này, Nguyễn Thái Học không phải là liệt sĩ mà chỉ là
một trí thức tiểu tư sản ngây thơ nhưng liều lĩnh v.v… còn Nhất Linh, Khái
Hưng đều là những nhà văn phản động và ru ngủ v.v…”