lấy cái nón cho ổng ra ruộng, và cái đầu con rắn không tìm thấy cắn dì rồi
dì ngả xuống như một trái cây chín muồi rụng xuống. Chồng dì và ông thầy
trị rắn cắn tưởng dì đã chết và ổng chôn dì. Nhưng dì đâu có chết vì đầu
một con rắn phải ăn đất và bò bằng bụng làm sao làm dì chết được; đúng
không? Dì sống lại và còn sống đến hôm nay dì mới mua cá khô của con.
Bà-áo-xanh sáng láng đó đã nắm lấy tay dì kéo dì ra khỏi giấc ngủ, khi dì
mở mắt ra, Bà ấy chùi sạch nước bọt dính ở khoé miệng, dì ngồi dậy thấy
Bà-áo-xanh đã lấy chân đạp giập đầu con-rắn-xưa mà trước đó nó đã cắn
gót chân bà.”
“Dì không sợ chết sao?” Ngọc Thu hỏi như thể nàng quên ngay bà-áo-xanh,
có lẽ vì trong mưa nàng nghe không rõ.
“Không, con sâu trong kén nó đâu có sợ trở thành con bướm đẹp phải
không Thu, nó còn muốn nữa?”
“Dạ phải, nhưng con thấy nhiều người chết oan ức ở Huế vừa rồi thân thể
họ rửa nát hôi thối làm con rất sợ, đã sáu tháng rồi mà con vẫn còn run sợ
và nôn ọe khi nghĩ đến và lòng con bối rối ân hận…”
Bà cụ như không để ý mấy chữ cuối cùng trong câu nói của Ngọc Thu, bà
nói tiếp:
“Nó cũng giống như chượp làm nước mắm. Trước khi có nước mắm nhỉ
thơm ngon thì cá trong chượp phải thối lên và bốc mùi. Vậy nên người Việt
Nam mình mới thờ cúng người chết vì sự thờ cúng đó hướng đến cái tinh
hoa của ông bà tổ tiên quá cố, đến cái thiêng liêng đến cái linh quang trong
họ, đến những vị thần mà họ sẽ trở thành. Trừ những người độc ác với đồng
loại và tự nguyện làm công cụ cho ma quỷ thì dì không nói, còn phần lớn
người chết sau một thời gian thanh luyện và nhận ơn cứu rỗi đều sẽ thành
thần và sống bên cạnh chúng ta mà chúng ta không biết và không thấy như
hiện giờ con thấy dì ngồi kế bên con.”
Lúc đó Ngọc Thu mới chợt nhớ cụ già này không phải người trong làng
nhưng cũng không phải là lạ. Cụ giống như bà vợ của lão Thổ khi còn
sống. Nhưng một tiếng sấm gầm từ xa trong mưa làm ý tưởng nàng đứt
đoạn trong lúc bà cụ nói tiếp:
“Nhưng nè Thu, chỉ có người đạo Chúa (ôi con lạy Ngài!) mới biết Thần