“Ừ cũng phải.”
Thiết Trọng đáp trong lúc nhìn theo dáng Hồng Nhu ẻo lã bước đi. Thầy
nghĩ, “Trời Phật đã độ mình vì sáng nay mình không có nhà nên tránh được
sự sỉ nhục, và hai thằng đó chưa làm bậy vợ mình.” Ý nghĩ ấy làm thầy
thấy mình phấn chấn khi tiến lại kệ sách lấy từng chồng sách bám bụi đặt
xuống nền nhà.
Bốn ngày sau, thằng Cám đi ngang qua nhà thầy Thiết Trọng, thấy cửa
đóng then gài. Hắn bước vào thấy nhà trống trơn, không một bóng người.
Họ đã trốn mất,… nàng đã trốn mất sau khi để lại ta món tóc thề, hắn nói.
Ta tiếc đã không được tận hưởng với nàng, hắn than thở.
Tổ chức cho rằng không bỏ công đuổi theo một thằng đã bỏ chạy, đã đầu
hàng, một thằng trí thức ngu muội và vô dụng. Hắn không bao giờ có thật
trên đời. Không hiện hữu, không tồn tại. Về phần thằng Cám, từ ngày Hồng
Nhu bỏ đi khỏi làng, hắn trở nên buồn bã. Một hôm hắn vui mừng khám
phá một điều mới lạ: hắn thấy Mỹ Xuân vợ của xếp hắn, Bảy Long, với con
nhỏ ba tháng trên tay đang lấy lại những đường nét sau thời kỳ sanh nở mà
thằng Cám thấy rất mỹ miều, phổng phao như thân thể của Hồng Nhu. Từ
đó hắn mới hết buồn nhưng lại thêm lòng hăng hái để chiến đấu cho lý
tưởng Việt Minh.
Từ giữa năm 1946, quân viễn chinh Pháp và lính bảo an tái chiếm lại những
vùng do Việt Minh làm chủ sau ngày đảo chính Nhật.
Tháng chín năm đó một đại đội lính lê dương và bảo an càn quét làng Rí và
làng chài, có mấy xe bọc thép và một máy bay. Mặc dù đã biết trước và
cho sơ tán các bà mẹ có con nhỏ, các ông bà già qua khu rừng bên kia sông
Nghiệt, từ khu rừng này có con đường mòn dẫn lên núi Mường cao 1227
mét. Thằng Cám, người hộ tống của Bảy Long, được giao cho việc đưa ba
bà cán bộ Ngọc Thu, Mỹ Xuân, Mỹ Đông qua sông và ổn định chỗ ẩn náu
cho họ và các con nhỏ. Hắn xum xoe bên cạnh Mỹ Xuân, chăm chút cho cô
này được sự thoải nhất nào là gạo thơm, sữa bò cho các bé, lương khô, xà
bông cục, dầu đèn và cả dầu dừa xức tóc. Trước khi đi hắn còn nói một câu
tôn vinh Mỹ Xuân cải lương hết chỗ nói: