MIỀN TÂY KHÔNG CÓ GÌ LẠ
R
ượu đến độ hăng, cuộc nhậu cũng đủ lâu, hai nhà cùng xóm rủ rê đổi
vợ chồng cho… mới, chung đụng cũ xèo hoài chán thấy mồ. Những người
chứng kiến tưởng vì rượu nói chơi cho vui, nhưng sáng hôm sau hai bà vợ
tỉnh bơ xách gói chuyển sang nhà của nhau sống với chiếu giường mới mẻ.
Họ nói hết tháng ai lại về chỗ nấy, có sao đâu. Người kể chuyện nhẩm đếm
bữa nay nữa là mười ba ngày họ đổi ngôi, chị nhớ vì buổi nhậu ấy ngay dịp
đám giỗ má chồng mình.
Mấy câu chuyện kỳ khôi bạt mạng kiểu vậy vẫn thường rôm rả trên
những chuyến xe buýt ngược xuôi liên huyện. Chỉ mấy bà già là còn kêu
quỷ thần ơi, vợ chồng với nhau đâu phải cái áo. Nỗi mệt đường dài bay
biến, thay vào đó là hoang mang, tự hỏi những gì xảy ra dưới gầm trời này
ta biết được bao nhiêu, những giá trị đạo đức đang sấp ngửa đến độ nào.
Hồi đầu tôi thường phản ứng bằng ý nghĩ thiên hạ đồn thổi chơi thôi, chắc
gì thiệt. Giờ thì ngờ ngợ, biết đâu đó.
Miền Tây chẳng gì là không thể. Người ta vẫn kể chuyện năm ông nhậu
xỉn kích nhau bơi qua sông, hai trong số ấy mãi mãi không lên bờ nữa.
Chuyện thằng nhỏ đi ở đợ, bị chủ hành hạ bằng những nhục hình thời Trung
cổ. Chuyện hồn cô Ba xác chú Chín chữa ung thư bằng vuốt ve. Chuyện cả
một ấp xóm mấy chục nóc gia nhưng người học cao nhất chỉ đến nửa chừng
lớp bốn. Chuyện lúa rớt giá cả vùng rủ nhau trồng mía, mùa sau mía chẳng
ai mua họ chất thành đống đốt cho khói lên trời. Chuyện những cô gái lấy
chồng ngay sau cuộc gặp chú rể một ngày, gọi tên nhau còn trật lất. Có sao
đâu, dân miền Tây chịu chơi mà. Ai quan tâm đường biên của chịu chơi và
liều mạng.