CÚI XUỐNG CHE CHUNG
C
hưa bao giờ cố Tám chịu nhận là mình hiu quạnh trong ngôi nhà lún
giữa cây vườn và bóng nắng. Ra vô mình một nhưng trên gương mặt cố
không có vẻ gì buồn. Ngày hai lượt con cháu đi tắt qua vườn thăm chừng,
thỉnh thoảng bắt gặp quả tang cố đang nói chuyện. Ngó quanh không thấy
ai, hỏi thì cố Tám cười, nói “tụi bây sợ tao phát khùng nói một mình hả?
không có đâu”.
Cố nói có một con ong bầu đục ổ ngay chỗ buộc dây giăng mùng, cố kêu
nó dời đi chỗ khác. Trong ngôi nhà coi bộ cũ kỹ này, ngoài những người
thân đã mất đã xa vẫn còn váng vất, có rất nhiều thứ mà cố Tám gộp gọi
chung: “tụi nó”. Tính luôn con Vện hay cào móng dưới gầm giường, “tụi
nó” còn có những sinh vật có hoặc không tên. Cứ nhà tranh vách lá là đám
nhỏ này kéo tới ăn ké ở nhờ, nhưng không phải ai cũng coi chúng là bạn,
cũng nhận được những hơi ấm từ nhau.
Sau này, một trong những đứa cháu của cố Tám vẫn nghĩ chẳng phải vì
thiếu vắng con người mà cố làm bạn với tụi bốn chân, côn trùng, mà bà già
đó thật sự đã thấy và nghe chúng. Không gian sống giữa người và mớ sinh
vật nhỏ nhoi dưới một mái nhà hai gian một chái, đứa cháu tự hỏi hai chữ
“cộng sinh” có trơ quá, có tả hết tình không.
Cây ven vách bằng tre, trúc cũng đúng loại ong bầu mê thích. Chỉ cần
đục cái lỗ đầu hay giữa lóng, con ong đen dềnh dàng có ổ. Thằn lằn lang
thang trên vách lá ngấm mưa tiếc rẻ những huy hoàng, đôi lúc rơi xuống
đoạn đuôi còn giãy. Giấu những cái trứng trong chân vách ẩm mục, một đôi
rắn mối chờ đợi một thế hệ mới sẽ ra đời. Trên đòn tay tràm không tróc vỏ,
con tắc kè bông khệnh khạng xác định lãnh địa. Dưới mái nhà cố Tám,