Rất, rất hiếm khi trong quá khứ xa xôi, hành tinh này trải qua thay đổi
đảo lộn tới mức sự đa dạng của sự sống giảm mạnh như thế. Năm trong
các sự cố đó thảm họa tới mức chúng được xếp thành loại riêng: Ngũ
đại Biến cố (The Big Five). Trong những thứ có vẻ là một sự trùng hợp
kỳ lạ, nhưng có thể chẳng trùng hợp chút nào, lịch sử các biến cố này
chỉ được phát hiện khi con người nhận ra rằng họ đang gây ra một biến
cố nữa. Khi vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu biến cố mới có đạt tới
tầm mức như Ngũ đại Biến cố hay không, thì người ta đã kịp gọi nó là
Đợt tuyệt chủng thứ sáu.
Câu chuyện về Đợt tuyệt chủng thứ sáu, ít ra qua những gì tôi lựa
chọn để kể, sẽ tới trong mười ba chương sách. Mỗi chương dõi theo
một giống loài mà theo cách này cách khác có tính điển hình: voi răng
mấu châu Mỹ, chim ăng-ca lớn, một loài ốc đã biến mất vào cuối kỷ
Phấn trắng (hay kỷ Creta) cùng loài khủng long. Những sinh vật ở các
chương đầu đã biến mất rồi, và phần này của cuốn sách chủ yếu quan
tâm tới những vụ tuyệt chủng lớn của quá khứ và lịch sử đầy gay cấn
của việc phát hiện ra những đợt tuyệt chủng đó, bắt đầu với công trình
của nhà tự nhiên học người Pháp Georges Cuvier. Phần thứ hai của
cuốn sách diễn ra ngay trong thời hiện tại, ở vùng rừng nhiệt đới
Amazon đang ngày càng bị phân mảnh, trên những triền núi đang ấm
lên nhanh chóng của dãy Andes, và bên ngoài rạn san hô Great Barrier.
Tôi chọn đi đến những nơi cụ thể này vì các lý do mang tính báo chí
thông thường, vì ở đó có một trạm nghiên cứu hay vì có người mời tôi
bám theo một đoàn thám hiểm. Quy mô của thay đổi đang diễn ra lớn
tới mức giờ đây tôi có thể gần như tới bất cứ nơi nào và với sự hướng
dẫn phù hợp, sẽ tìm thấy những dấu hiệu thay đổi. Một chương lưu tâm
tới sự tuyệt diệt xảy ra ít nhiều ngay trong sân sau nhà tôi (và rất có thể,
cả nhà bạn nữa).
Nếu tuyệt chủng là một đề tài chết chóc, thì tuyệt chủng trên diện
rộng hoàn toàn là một đề tài, quả nhiên là chết chóc khắp nơi. Đó cũng
là một đề tài kỳ lạ. Trong những trang tiếp đây, tôi cố gắng truyền tải cả