chủ tịch Joe Pillay chủ trì. Khi nghe xong bài thuyết trình của chúng tôi,
phản ứng đầu tiên của họ là vô cùng kinh ngạc, không nói nên lời. May
mắn thay, sau đó họ ủng hộ nhiệt liệt. Chủ tịch Pillay còn lên tiếng đề xuất:
“Các anh hãy sắp xếp đến London và biến ý tưởng đó thành hiện thực
ngay đi nhé!”
Ngành hàng không đã sẵn sàng để đóng góp vài triệu đô cho một quỹ
dành riêng để biến ý tưởng Tussauds thành hiện thực, cùng một lời khẳng
định chắc nịch:
“Chúng tôi sẽ thưởng nóng cho các bạn một triệu đô nếu chiến dịch này
thành công.”
Vẫn còn quá sớm để chúng tôi bật nút champagne ăn mừng, nhưng đã có
đủ cơ sở để chuẩn bị sẵn vài chai trong tủ lạnh, phải không?
Bước tiếp theo được tiến hành bí mật như hoạt động quân sự của SAS
.
Tôi đã không gọi điện thoại đến cô nàng PR nào đó của Tussauds chỉ để
nhận được một yêu cầu gửi email chi tiết về chiến dịch rồi ngồi đó nhìn dự
án của mình bị treo luôn bởi những từ ngữ quen thuộc như “cái này hơi khó
để giải quyết” hay “chúng tôi chưa quan tâm đến vấn đề này lắm”. Hơi liều
lĩnh, nhưng tôi đã quyết định mình sẽ phải mặt đối mặt nói chuyện trực tiếp
với người đứng đầu viện bảo tàng Tussauds.
Tôi liên hệ với một đồng nghiệp cũ ở London có tên là David Hobbs. Là
một người bạn tốt, Hobbs còn là một tay PR chuyên nghiệp, một gã sừng sỏ
trong ngành, nắm giữ rất nhiều mối quan hệ trong tay. Michael Jolly –
Giám đốc điều hành của Tussauds – là một trong những mối quan hệ mà
Hobbs có. Chính nhờ điều đó, cuộc gặp mặt giữa tôi và Michael Jolly đã
được sắp xếp ổn thỏa.
Tôi quyết định bài thuyết trình của mình dành cho Tussauds phải thật
đơn giản, hay nói đúng hơn là tối giản hết mức có thể, chỉ với một điểm cần
nhấn mạnh duy nhất: Thiếu nữ Singapore là người được chụp hình nhiều
nhất thế giới và là một biểu tượng sống khó có thể thay thế được.