“Chào Michael! Tôi có một tin vui cho ông đây: hội đồng đã chấp nhận
đưa Thiếu nữ Singapore vào Tussauds rồi.” Rồi ông ta bổ sung thêm.
“Nhưng hiện giờ đây vẫn là thông tin mật đấy nhé!”
Tôi như muốn bùng nổ với cái “thông tin mật” này. Rối rít cảm ơn Jolly
liên tục , tôi vụt đứng dậy, chạy thẳng tới quán rượu ưa thích nhất của mình
tại thành phố, uống liền mạch những cốc bia lạnh tuyệt nhất thế gian này.
Tôi nói với Charlie, anh bạn của tôi rằng:
“Tôi đã đưa được Thiếu nữ Singapore vào bảo tàng Madame Tussauds
rồi! Nâng cốc lên thôi!”
Dĩ nhiên, anh ta chẳng hiểu tôi nói cái quái gì, nhưng vẫn cùng tôi uống
vài lượt bia. Tôi chỉ muốn tắm mình trong thứ chất lỏng tuyệt vời ấy.
Khi tin tức này được đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng,
Madame Tussauds tự nhận là đã chủ động tiếp cận hãng hàng không, và
Thiếu nữ Singapore đã được Tussauds “cầu hôn” chứ không phải “cô ấy”
chủ động ngỏ lời trước (dù mọi chuyện trên thực tế có vẻ nằm theo hướng
ngược lại). Điều đó cũng hợp lý vì dù gì mọi người cũng dễ chấp nhận
chuyện “trâu đi tìm cọc” hơn là “cọc tự bứt mình để đi tìm trâu”.
Bây giờ tới công đoạn chọn hình mẫu cho Thiếu nữ Singapore. Để làm
được tượng sáp thì bắt buộc phải có một nữ tiếp viên hàng không thật làm
mẫu, không thể đưa ra một biểu tượng mơ hồ và chung chung cho phía bảo
tàng được. Hãng hàng không phải tự chọn lựa ra năm nữ tiếp viên tiềm
năng để cùng tôi bay đến London. Một trong năm người này sẽ được đích
thân nhà điêu khắc của bảo tàng Tussauds chọn để khắc thành tượng sáp.
Để đảm bảo tính khách quan, các cô nàng xinh đẹp này không được biết bất
cứ điều gì về chiến dịch cho đến khi chúng tôi đến Anh quốc.
Trên chuyến bay đến London, tôi cứ ngỡ mình là mật vụ của CIA chứ
chẳng phải một gã làm nghề PR. Lạ lùng thay, tôi rất thích cảm giác đó. Và
tôi đoán chắc đây sẽ là một trong những chuyến bay hiếm có. Trên máy
bay, các cô gái vẫn cứ ngỡ rằng họ đang được đưa đi để tham gia vào một
chiến dịch quảng bá chán ngắt của hãng hàng không. Kiểu như mặc sarung