“Nó giống như một nhiệm vụ bất khả thi vậy, tôi chưa từng thấy tiền lệ
trước đây. Chúc may mắn!” Một viên chức ngành du lịch đã nhắn nhủ với
tôi như vậy.
Cuối buổi họp, hơn 1 triệu đô đã được đóng góp từ hơn 15 cơ quan du
lịch nội địa và những đối tác khác trong ngành. Chiến dịch tập trung vào
việc chuyển tải hình ảnh tích cực và thông điệp về vùng châu Á - Thái Bình
Dương đến với du khách toàn cầu, thông qua những phương tiện truyền
thông như truyền hình, báo in và truyền thông trực tuyến. Mọi việc cần
thực hiện nhanh chóng và không có quốc gia nào được phép xem qua chiến
dịch trước khi nó thành hiện thực. Tất cả mọi người đều đồng ý. Và dự án
Phượng hoàng chính thức cất cánh.
Có hai mục tiêu truyền thông cơ bản, đó là:
Thứ nhất, phải thuyết phục những du khách còn e ngại và hoài nghi rằng
châu Á - Thái Bình Dương không phải là nơi thiếu an toàn như họ nghĩ,
đây vẫn là một địa điểm xứng đáng để họ đến tham quan.
Thứ hai, để giảm thiểu chi phí càng nhiều càng tốt, phải thiết lập một
mạng lưới thân thiết với những công ty truyền thông toàn cầu và đề ra
chiến lược PR vừa sáng tạo lại vừa hiệu quả.
Thành công của chiến dịch chỉ đạt được khi cả hai mục tiêu trên đều đem
đến kết quả tốt.
Một ví dụ tiêu biểu trong chiến dịch này là chiến dịch nhỏ “Welcome
Back” được thực hiện đồng thời với đối tác chiến lược CNN, báo Time và
Fortune. Quảng cáo trên truyền hình dài 60 giây – được hỗ trợ bởi quảng
cáo trên báo chí – đã khơi gợi những kỷ niệm còn lưu giữ trong trái tim của
du khách ở muôn nơi về một châu Á - Thái Bình Dương xinh đẹp và trái
tim ấm áp của những người dân nơi đây. CNN, Time và Fortune đã đóng
góp 6 triệu đô cho việc quảng cáo để đảm bảo rằng chiến dịch này có thể
tiếp cận được với hơn 130 triệu hộ gia đình ở Mỹ, châu Âu và châu Á -
Thái Bình Dương.