Mỗi năm khoa Kinh tế bậc đại học ở trường Osaka có khoảng 300
người. Trong đó khoảng 20 người là lưu học sinh (bậc cao học của
khoa Kinh tế chủ yếu là lưu học sinh). Khoa không phân chia thành
các lớp hay khối, mà sinh viên tự do đăng ký môn học và đi thi kết
thúc học phần. Đến năm thứ ba trở đi, các sinh viên xã hội sẽ chọn
và tham gia Seminar của một giáo sư nhất định. Sinh viên kỹ thuật
thì thay vì Seminar sẽ vào phòng thí nghiệm (Lab). Giáo sư này sẽ là
người gắn bó với sinh viên đó và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp.
Mỗi Seminar hay Lab tùy quy mô có từ vài người đến mấy chục
người. Seminar của tôi từ năm thứ ba đại học là Seminar về Business
Model (Mô hình kinh doanh), gồm khoảng 30 người, là Seminar khá
đông trong khoa. Trong Seminar các sinh viên gắn bó với nhau như
một lớp nhỏ. Quan hệ giữa sinh viên năm trước và năm sau (Sempai −
kohai) cũng khăng khít hơn chứ không tự do như khi học các môn
khác.
Ngoài học tập, hoạt động câu lạc bộ ở trường đại học Nhật rất sôi
động. Một trường đại học bình thường có hàng trăm câu lạc bộ khác
nhau theo nhiều quy mô. Có cái quy mô nhỏ vài chục người, có cái
quy mô lớn hơn và nội quy tham gia cũng rất nghiêm ngặt. Những
câu lạc bộ có nội quy nghiêm khắc thường là các câu lạc bộ thể thao
như bóng đá, bóng chuyền, bắn cung, các môn võ. Những câu lạc
bộ nhẹ nhàng hơn như: thư pháp, trà đạo, phim ảnh, âm nhạc, ngoại
ngữ... Sinh viên Nhật rất coi trọng hoạt động trong các câu lạc bộ. Có
khi còn quan trọng hơn là học tập. Vì thế, việc nghiêm túc lựa chọn
câu lạc bộ nào để mình gắn bó thường kéo dài sau cả tháng nhập
học. Trong những ngày đầu năm học, thành viên của các câu lạc bộ
đi phát tờ rơi chiêu mộ thành viên mới và quảng bá rầm rộ hoạt
động của mình. Trong những ngày hội ở trường thì các câu lạc bộ có
thể thuê quầy biểu diễn, vui chơi. Chọn câu lạc bộ cho mình cũng
chính là chọn môi trường để mình tìm kiếm bạn bè vì đại học ở Nhật
không xếp lớp nhỏ. Nếu không thuộc một câu lạc bộ nào cả thì bạn