sẽ có rất ít bạn bè, bởi những người bạn gặp trên giảng đường lớn
rất đông và thường không có nhiều thời gian tiếp xúc với họ.
Cùng với hoạt động câu lạc bộ, hầu hết sinh viên Nhật đều đi
làm thêm. Các công việc làm thêm phổ biến thường là: làm gia sư
hay làm việc trong các quán ăn, làm việc trong các cửa hàng tiện lợi
(Combini). Sinh viên Nhật kiếm tiền làm thêm để trang trải sinh
hoạt phí, đôi khi là để trả tiền thuê nhà. Thường thì sinh viên Nhật
từ các tỉnh thành khác nhau đến xung quanh các trường đại học thuê
nhà và đi làm thêm để trang trải mọi chi phí đó. Học phí thường sẽ
được các bậc phụ huynh trả bằng chuyển khoản trực tiếp, còn sinh
viên sống tự lập bằng việc đi làm thêm trang trải các khoản khác.
Học tập chỉ là một phần trong cuộc sống sinh viên. Thực tế thì các
nhà tuyển dụng Nhật Bản cũng coi trọng kinh nghiệm xã hội như làm
thêm, tình nguyện của ứng cử viên hơn là thành tích học tập. Vì thế,
nhiều sinh viên Nhật trau dồi kinh nghiệm ở những mảng đó chứ
không chú trọng nhiều đến học tập.
Nhật Bản là một xã hội trọng bằng cấp, chứng chỉ. Xếp hạng
của các trường đại học cũng rất quan trọng khi đi xin việc. Thường
thì để thi vào một trường đại học nổi tiếng, học sinh Nhật phải ôn
luyện rất vất vả ngay từ cấp một. Để vào những trường quốc lập
hàng đầu, học sinh thường phải đi học thêm và ôn luyện nhiều. Bởi
vậy sau khi đã vào được những trường đại học tốt, nhiều sinh viên
có tâm lý nghỉ giải lao sau nhiều năm vất vả nên thích hoạt động xã
hội, hoạt động câu lạc bộ và làm thêm nhiều hơn là cắm đầu vào
học như hồi phổ thông. Vào trường đại học tốt ở Nhật rất khó,
nhưng để ra trường thì khá dễ dàng. Chỉ cần lấy đủ tín chỉ là có thể
tốt nghiệp. Có tín chỉ rất khó lấy, nhưng cũng có những môn học
rất dễ. Điều này khác với giáo dục ở Mỹ. Ở Mỹ, vào đại học không
quá khó, nhưng tốt nghiêp đại học thì rất khó, thế nên mới có
chuyện sinh viên sáu, bảy năm không tốt nghiệp được đại học. Ở