môn học về văn thể mỹ, triết học... Giáo dục Nhật rất coi trọng
những môn học đại cương này. Họ tin rằng, thành công trong cuộc
sống không hẳn phụ thuộc vào việc bạn giỏi chuyên môn đến đâu
mà còn phụ thuộc vào việc bạn có kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực
không phải là chuyên môn. Hồi năm thứ nhất ở Đại học Osaka, tôi
có học một môn về đánh giá phim ảnh. Ngoài ra, tôi còn học một
môn văn hóa các nước Đông Nam Á. Những môn học như vậy không
gắn liền với điều tôi quan tâm trước mắt trong thời điểm đó,
nhưng giờ đây nghĩ lại, nó lại cung cấp cho tôi khung tư duy và kiến
thức rất thú vị về văn hóa, nghệ thuật.
Kế hoạch học tập
Tôi chia thời gian du học của mình làm hai phần. Một phần học
tập, một phần là hoạt động khác ngoài học như làm thêm, hoạt động
ngoại khóa. Trong một, hai năm đầu, tôi đặt mục tiêu hoàn thành
thật nhiều môn học và đạt thành tích tốt các môn. Vì thế, trong
hai năm đầu tôi chủ yếu học, việc tham gia câu lạc bộ nói tiếng
Anh và đi làm thêm bằng việc dạy tiếng Việt cho người Nhật có
nhưng không đáng kể. Hết năm thứ hai, hầu như tất cả các tín chỉ
tôi cần để tốt nghiệp đã được hoàn thành, tôi học năm thứ ba và
thứ tư đại học rất nhẹ nhàng vì hai năm đó chỉ còn lại là tham gia
Seminar và làm luận văn tốt nghiệp mà thôi. Vì thế, từ năm thứ ba
trở đi, tôi có rất nhiều thời gian rảnh rỗi và đi làm thêm nhiều.
Ngoài việc dạy tiếng Việt, tôi đi phiên dịch và tư vấn giúp đỡ các
doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn đi giới thiệu
về Việt Nam cho các em học sinh cấp ba ở Nhật. Sau đó, khi đã tích
lũy đủ kinh nghiệm và mối quan hệ, tôi tự tổ chức các hội thảo giới
thiệu về Việt Nam cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật một
cách tình nguyện.