mạng khác đang ngồi trên một rương khổng lồ các thông tin
được dữ liệu hóa, mà một khi được phân tích, sẽ rọi ánh sáng lên
các động lực xã hội ở tất cả mọi cấp độ, từ các cá nhân đến toàn
bộ xã hội.
Dữ liệu hóa tất cả mọi thứ
Chỉ cần vận dụng chút trí tưởng tượng, ta có thể hình dung một
kho tàng đủ mọi thứ có thể được chuyển thành dạng dữ liệu - và
khiến chúng ta kinh ngạc. Với cùng một tinh thần như công
trình của giáo sư Koshimizu về dáng điệu, IBM đã được cấp bằng
sáng chế ở Mỹ vào năm 2012 về “Bảo đảm an toàn nhà cửa bằng
công nghệ máy tính dựa trên bề mặt”. Đó là bằng sáng chế cho
một sàn nhà cảm ứng, phần nào giống như một màn hình điện
thoại thông minh khổng lồ. Triển vọng của việc sử dụng nó rất
khả quan. Sàn nhà kiểu này có thể xác định các vật thể trên đó.
Về cơ bản, nó có thể biết bật đèn một phòng hoặc mở cửa khi có
người đi vào. Tuy nhiên, quan trọng hơn, nó có thể xác định các
cá nhân theo trọng lượng của họ hay cách họ đứng và đi. Nó có
thể biết nếu một người nào đó ngã và không đứng dậy được,
một tính năng quan trọng cho người cao tuổi. Các nhà bán lẻ có
thể biết được dòng di chuyển của khách mua trong các cửa hàng
của họ. Một khi sàn nhà được dữ liệu hóa thì chẳng có “nóc nhà”
nào giới hạn được các ứng dụng tiềm tàng của nó.
Việc dữ liệu hóa càng nhiều càng tốt không phải là chuyện xa
vời như ta tưởng. Chẳng hạn số lượng “những-người-tự-theo-
dõi-mình” là nhỏ tại thời điểm hiện nay nhưng sẽ ngày càng
tăng. Nhờ điện thoại thông minh và công nghệ điện toán giá rẻ,
việc dữ liệu hóa các hành vi quan trọng nhất của cuộc sống chưa
bao giờ dễ dàng hơn. Rất nhiều công ty mới thành lập đã giúp
mọi người theo dõi giấc ngủ của họ bằng cách đo sóng não suốt