Sự tăng trưởng này có ý nghĩa gì? Peter Norvig, một chuyên gia
trí tuệ nhân tạo tại Google, thích nghĩ về nó với một sự tương tự
về hình ảnh. Ông yêu cầu chúng tôi trước hết xem xét con ngựa
mang tính biểu tượng từ các hình vẽ hang động ở Lascaux,
Pháp, từ thời Paleolithic khoảng 17 ngàn năm trước. Sau đó
nghĩ tới một bức ảnh của một con ngựa - hoặc tốt hơn là những
phác họa của Pablo Picasso, trông không khác mấy các hình vẽ
hang động. Thực tế, khi Picasso được cho xem các hình vẽ
Lascaux, từ thời đó ông đã hài hước rằng: “Chúng ta đã không
phát minh ra được thứ gì cả”.
Những lời của Picasso đúng ở một mức độ, nhưng không đúng ở
một mức độ khác. Hãy nhớ lại bức ảnh chụp con ngựa. Trong
khi phải mất nhiều thời gian để vẽ hình một con ngựa, bây giờ
sự miêu tả một con ngựa có thể được thực hiện nhanh hơn
nhiều với nhiếp ảnh. Đó là sự thay đổi, nhưng có thể đó không
phải là thứ quan trọng nhất, bởi về cơ bản nó vẫn thế: hình ảnh
của một con ngựa. Nhưng bây giờ, Norvig yêu cầu thu hình của
một con ngựa và tăng tốc độ lên tới 24 khung hình mỗi giây. Sự
thay đổi lượng đã tạo ra một thay đổi chất. Một bộ phim khác
một cách cơ bản với một bức ảnh tĩnh. Với dữ liệu lớn cũng vậy:
bằng cách thay đổi số lượng, chúng ta thay đổi bản chất.
Hãy xét một sự tương tự từ công nghệ nano - nơi mà mọi thứ trở
nên nhỏ đi, chứ không lớn lên. Nguyên lý phía sau của công
nghệ nano là khi đạt tới mức phân tử, các tính chất vật lý có thể
thay đổi. Hiểu biết những đặc tính mới này có nghĩa là ta có thể
sắp đặt để vật chất làm những thứ mà trước đây không thể làm
được. Thí dụ, tại quy mô nano, kim loại có thể mềm dẻo hơn và
gốm sứ có thể căng ra được. Ngược lại, khi tăng quy mô của dữ
liệu, chúng ta có thể thực hiên được những thứ mới mà không
thể nào thực hiện được khi chỉ làm việc với những số lượng nhỏ
hơn.