Hàng ngày, mỗi khi về đến nhà, Rajiva vào chào cha, rồi đến chỗ tôi học
bài, sau đó đến thư phòng đọc sách. Cậu ta lặng lẽ đọc sách, tôi lặng lẽ
chép sách. Lúc về chùa, cậu thường mang theo cuốn sách còn đang đọc dở
dang, nhưng hôm sau đã thấy cậu ta đổi lấy cuốn mới. Có hôm cậu về nhà
khi giờ học của Pusyseda vẫn chưa kết thúc. Cậu lặng lẽ ngồi bên cạnh
nghiên cứu trước bài học. Đến lúc tôi bắt đầu giờ dạy thì cậu đã thuộc làu
những nội dung tôi sắp thuyết giảng, nhiều chỗ tôi đọc sai, cậu ta còn nhẹ
nhàng nhắc nhở, khiến tôi toát cả mồ hôi. Cậu ta tưởng tôi là thiên tài chắc.
Kiến thức lịch sử của năm ngàn năm chứ ít à, sai vài chỗ có sao đâu? Tôi
tức quá cốc vào đầu cậu ta một cái, cảnh cáo cậu ta không được qua mặt
giáo viên.
Đang vừa ôn lại những kỷ niệm làm gia sư trong hơn mười ngày qua ở
phủ quốc sư, vừa kéo chăn lên đắp cho Pusyseda, chợt có cảm giác lành
lạnh sau lưng, thì ra là Rajiva. Cậu vén tấm rèm chắn gió và đứng tựa lưng
bên bậu cửa, nhìn tôi.
- Ủa, sao hôm nay cậu về sớm vậy?
Giờ tụng kinh buổi chiều của Rajiva bắt đầu từ bốn giờ và kết thúc lúc
năm giờ. Vì vậy, thông thường, khoảng sáu giờ cậu ta mới đến chỗ tôi học
bài. Nhưng hôm nay năm giờ ba mươi phút đã có mặt. Bạn thắc mắc vì sao
tôi nắm được giờ giấc chính xác như vậy ư? Vì chiếc đồng hồ vượt thời
gian của tôi có cả chức năng báo giờ, có cả lịch âm, dương đối chiếu nữa,
rất tiện dụng. Từ khi chức năng vượt thời gian bị hỏng, chiếc đồng hồ này
chỉ có thể dùng để xem giờ. Nên tôi vẫn ngày ngày đeo nó trên tay, mọi
người nhìn thấy cũng chỉ cho rằng đó là một chiếc vòng tay kì dị.
Còn điều này nữa tôi cần phải nói rõ. Múi giờ ở Tân Cương và Bắc Kinh
chênh lệch nhau hai tiếng. Vì vậy, khi đi du lịch Tân Cương, tôi thường
điều chỉnh thời gian theo giờ địa phương. Nếu không thời gian biểu hằng
ngày của tôi sẽ trở nên rất quái dị vì: mười giờ sáng thức giấc, hai, ba giờ
chiều ăn trưa, buổi tối chín giờ đèn vẫn sáng trưng, một giờ đêm mới đi