thần thái của một bậc cao tăng.
- Trên đường trở về Khâu Từ, chứng kiến cảnh xương trắng chất đầy sa
mạc, đạo tặc hoành hành khắp nơi, người người khổ ải lầm than. Tôi lấy
làm băn khoăn, tôi có thể đắc đạo thông qua con đường tu hành, nhưng
những con người đó thì sao? Đám giặc cướp ấy vẫn ngang ngược làm càn,
chúng sinh vẫn chìm đắm trong nỗi khổ ải của sinh lão bệnh tử. Vậy tôi
nghiên cứu Phật pháp phỏng ích gì?
Tôi đứng lên, bước lại gần Rajiva, nhẹ nhàng lên tiếng:
- Tiểu Thừa xuất thế, Đại Thừa nhập thế. Vì vậy, khi tiếp xúc với Phật
giáo Đại Thừa, cậu cảm thấy tông phái này phù hợp với ý nguyện của mình
hơn. Địa Tạng Vương Bồ Tát từng nói: Khi nào địa ngục còn chưa vắng âm
hồn, thề sẽ không thành Phật. Có phải cậu cũng muốn học theo Bồ Tát, cứu
rỗi nhiều người chứ không chỉ cứu rỗi bản thân?
Rajiva đột ngột quay lại nhìn tôi, ánh mắt cảm động, gương mặt rạng rỡ.
- Đúng vậy. Khi còn ở Sulaq, tôi theo học đại sư Suryasoma, lần đầu tiên
tiếp xúc với Phật giáo Đại Thừa, tôi đã bị thuyết phục sâu sắc. Mấy ngày
qua, cùng cô thảo luận về Phật pháp, những kiến giải thâm thúy của cô về
Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ, có điều...
Gương mặt thoáng chút ưu tư, giọng nói trở nên u uẩn:
- Có điều sau khi trở về Khâu Từ, mỗi lần tôi đề cập đến giáo lý Đại
Thừa, các vị sư phụ đều cho rằng đó là thứ luận thuyết ngoại đạo sai trái,
khiến tôi cảm thấy rất khổ tâm.
Tôi có thể hiểu được tâm trạng ấy. Phật giáo Tiểu Thừa đã tồn tại và
hưng thịnh suốt mấy trăm năm ở Khâu Từ. Thời gian đầu, cuộc phân tranh
giữa hai tông phái này diễn ra rất kịch liệt. Khi ấy việc truyền bá giáo lý
Đại Thừa, vốn là một tông phái nhỏ bé lúc bấy giờ, bị xem là hành vi “xấu