Nhận ra bức tường thành quen thuộc, tim tôi đập dữ dội, dường như cảm
giác “về đến nhà” đang trào dâng mạnh mẽ trong tôi. Không biết Rajiva có
đang ở Khâu Từ không? Cậu ta bao nhiêu tuổi rồi? Có còn nhớ tôi không?
Chúng tôi vào thành từ cổng phía đông, họ đòi kiểm tra giấy tờ, tôi tròn
xoe mắt! Đang nghĩ xem có nên viện cớ là người quen của quốc sư hay
không thì người đàn ông Ba Tư biết tiếng Tochari đã kịp nhét một túi nhỏ
vào tay tên lính giữ thành, thế là hắn vung tay ra hiệu cho phép cho chúng
tôi qua.
Đây là thành cổ Khâu Từ mà tôi từng thông thuộc ư? Từ phố lớn đến ngõ
nhỏ chỗ nào cũng được quét dọn sạch sẽ, tinh tươm. Dân chúng trong thành
mặc những bộ trang phục đẹp nhất, kéo về cổng thành phía tây, ai nấy đều
náo nức như đi trẩy hội. Tôi nhìn những người Ba Tư, họ nhún vai tỏ vẻ
không hiểu. Đành phải chặn một người đi đường lại để hỏi xem họ đang đi
đâu. Người đó thấy tôi mặc trang phục của người Hán, liền giải thích cho
tôi biết hôm nay là ngày lễ rước tượng Phật (ngôn ngữ Phật giáo gọi là
“Hành tượng”), lát nữa sẽ có xe hoa chở tượng Phật vào trong thành qua
cửa phía tây, sau đó diễu hành qua khắp các đường phố để mọi người được
chiêm ngưỡng.
Ngày lễ rước tượng Phật? Pháp Hiền và Huyền Trang từng viết rằng đây
là lễ hội Phật giáo náo nhiệt nhất được tổ chức tại Ấn Độ và các quốc gia
Tây vực.
Thấy tôi đang ngẩn ngơ suy nghĩ, người đó tưởng rằng người Hán không
biết về ngày hội này, nên đã giải thích rất nhiệt tình cho tôi. Sau khi Phật tổ
nhập Niết Bàn, Phật tử buồn vì không có duyên được thấy Phật, cho nên tổ
chức ra ngày hội rước tượng Phật vào ngày Phật Đản để mọi người được
chiêm bái và cầu nguyện, vào ngày này, những lời khẩn nguyện đặc biệt
linh nghiệm. Nhưng ngày hội lớn như thế này lại không được lưu truyền ở
Trung Nguyên. Tôi thật may mắn vì tới đây đúng lúc, không thể bỏ qua cơ
hội được tận mắt chứng kiến ngày lễ Phật giáo trọng đại này được. Tôi nói