Tôi đã từng nhìn thấy khu vực thọ đại giới của tăng sĩ tại chùa Long
Hưng, thuộc huyện Chính Định, gần Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, một
ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Tùy. Nhưng ở đó không có hành lang
dài và u ám như thế này. Những ngôi chùa đủ tư cách truyền giới Cụ Túc
không nhiều, đó phải là những ngôi chùa quy mô lớn. Chùa Cakra là ngôi
chùa duy nhất ở Khâu Từ đủ tư cách truyền đại giới.
Bước chân vào dãy hành lang ảm đạm, hun hút ấy, hẳn trong lòng mỗi Sa
di không khỏi dâng lên những suy cảm. Vậy là ta đã quyết, cả đời này sẽ
gắn bó với kinh kệ, khói hương. Cả đời này sẽ từ bỏ mọi tình ái và dục
vọng. Cả đời này, sẽ gánh vác trách nhiệm truyền bá giáo lý Phật pháp.
Những suy cảm đó sẽ theo các Sa di chầm chậm bước đến điểm tận cùng
của con đường – giới đàn (nơi tăng sĩ thọ giới). Ba vị pháp sư, bảy người
làm chứng, hình ảnh chiếc dao cạo sáng lấp lóa, những tiếng tụng kinh lầm
rầm trang nghiêm. Kể từ giây phút này, bước ra khỏi sự sống chết, thoát ly
khỏi tham lam, dục vọng, đoạn tuyệt với thế tục…
Tôi quay đầu nhìn Rajiva đang yên lặng ngóng về dãy hành lang ảm đạm
ấy, vẻ mặt chất đầy suy tư. Có lẽ cậu cũng đang nghĩ về ngày trọng đại ấy.
Rồi đây, trần ai, thế tục sẽ không còn duyên nợ gì với cậu ư, Rajiva?
Chúng tôi bước vào một gian thờ ánh sáng yếu ớt, các nhà sư khác thấy
Rajiva liền cung kính hành lễ, Rajiva gật đầu đáp lại rồi trò chuyện đôi câu
với họ bằng tiếng Phạn. Gian thờ này không lớn, ở giữa đặt tượng Bồ Tát
Địa Tạng Vương, bốn phía xung quanh là những bức bích họa. Tôi nhận ra
tượng Bồ Tát Địa Tạng vì trên tay ngài có một cây tích trượng rất dài. Bồ
Tát Địa Tạng từng thề rằng:
“Chúng sinh độ tận, phương chứng bồ đề
Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”.
Nghĩa là: