Mười một năm sau, tôi sẽ không xuất hiện, nên chỉ có thể đưa ra lời
khuyên như vậy với cậu ấy.
- Viết sách làm thơ, đó là điều những người trong lúc cùng khốn dùng để
truyền đạt chí hướng và suy cảm của mình. Xưa Tây Bá (tức Chu Văn
Vương) bị tù ở Dũ Lí nên diễn giải Chu dịch; Khổng Tử gặp nạn ở đất
Trần, đất Sài nên viết Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi nên viết Ly Tao; Tả
Khâu Minh bị mù làm Quốc Ngữ; Tôn Tẫn cụt chân bàn Binh Pháp; Lã Bất
Vi bị đày sang Thục, đời truyền lại sách Lữ Lăm; Hàn Phi bị tù ở Tần làm
nên những thiên Thuyết Nan, Cô Phẫn; ba trăm bài ở “Kinh thi” phần lớn
đều do thánh hiền làm ra để giãi bày nỗi phẫn uất. Những người ấy đều vì
những điều uất ức không biểu lộ ra được, cho nên thuật lại việc xưa mà lo
truyền lại người sau.
Rajiva nhìn tôi, mượn lời của Thái Sử Công đáp lời tôi.
Chúng tôi cứ thế nhìn sâu vào mắt nhau, mặc cho không gian xung
quanh trở nên tĩnh lặng thất thường, giữa chúng tôi là bầu không khí khó
đặt tên. Gương mặt Rajiva hiện dần sắc đỏ, cậu đột nhiên quay đi. Vẻ mặt
mà tôi nhìn thấy là sự đan xen của rất nhiều xúc cảm: một chút khó xử, một
chút buồn và một chút… hối hận.
Rajiva, thực ra cậu đâu cần tôi dạy. Đoạn sử “Thái Sử Công tự thuật” cậu
vừa đọc nằm trong chương cuối của bộ Sử ký. Tôi tin rằng, nếu yêu cầu cậu
đọc thuộc cả bộ Sử ký này, cậu cũng có thể làm được. Vậy thì vì sao cậu
vẫn muốn tôi lên lớp? Trái tim tôi bỗng đập nhanh dữ dội, tưởng như có thể
nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi có thể suy luận ra được, là vì cậu muốn được
gặp tôi mỗi ngày, nên mới vờ như chưa từng đọc “Sử ký”, đúng không?
Nhưng mà… nhưng mà…
Tôi nhắm nghiền mắt lại, cố sức kìm chế nhịp đập gấp gáp, vất vả của
trái tim và nói với cậu ấy bằng sự bình tĩnh lớn nhất mà tôi có được: