Tiểu hòa thượng đột ngột vung dây cương, thúc lạc đà chạy lên phía
trước, giữ một khoảng cách với tôi. Thân hình mảnh khảnh, lớp áo choàng
bay bay trong gió, ánh nắng chếch nghiêng, cắt xuống nền cát một bóng
hình sẩm đỏ, cô liêu. Tôi băn khoăn không biết có phải mình đã làm gì sai
hay không?
Cách đó không xa là một khu rừng nhỏ. Người mặc chiếc áo nâu sòng
của giới tu hành đã dừng lại, ngoảnh đầu ngóng đợi, chờ tôi bắt kịp, rồi
cùng tôi thong dong tiến về phía trước.
Thoáng chút áy náy trên nét mặt, hòa thượng hắng giọng, quay sang hỏi
tôi:
- Ngải Tình, vì sao cô gọi Bhikkhu[4] là lão hòa thượng còn gọi tôi là
tiểu hòa thượng?
Tôi biết cậu ta muốn chuyển đề tài. Thì bởi vì tôi không hiểu tiếng Phạn
chứ sao. Bhikkhu nghĩa là gì? Mà tên cậu ta cũng rất khó nhớ, gọi là tiểu
hòa thượng thì có sao đâu.
Tôi hỏi ngược lại Kumalajiba:
- Trong tiếng Phạn có tôn xưng dành riêng để gọi nhà sư không, có từ
nào phát âm giống “hòa thượng” không?
Cậu ta lắc đầu:
- Trong tiếng Phạn hình như không có, nhưng ở Điền Quốc, người ta gọi
các đại sư truyền giới là Khosha, tên gọi này nghe có vẻ giống từ “hòa
thượng”.
Thú vị quá, thì ra từ “hòa thượng” được dịch từ ngôn ngữ của Điền
Quốc.