- Nhưng hòa thượng là các đại sư truyền giới có trên mười năm thọ đại
giới, thông tỏ đại luật đủ tư cách để xuống tóc và thọ giới cho người khác.
Tôi nào đã đến được cảnh giới đó, không xứng với tôn xưng hòa thượng.
Vả lại, tôi cũng chưa thọ đại giới, cô cứ gọi tôi là Sramanera đi.
Lại là tiếng Phạn. Thấy tôi ngơ ngác, cậu ta vội giải thích: Sramanera chỉ
những người mới xuất gia tuổi từ bảy đến hai mươi, đã thọ thập giới, nhưng
chưa thọ đại giới. Sau khi thọ đại giới, họ sẽ được gọi là Bhikkhu, nghĩa là
khất sĩ, khất sĩ là những người cầu Phật pháp nơi Phật tổ và khất thực chốn
nhân gian.
Tôi hiểu rồi, chả trách những âm đọc này rất quen tai.Sramanera là Sa di,
Bhikkhu là Tỷ khâu, cả hai đều là âm dịch. Thì ra nhà sư cũng được phân
chia giới bậc khi gọi tên. Nhưng ở Trung Quốc, người ta gọi sư cụ là lão
hòa thượng, gọi chú tiểu là tiểu hòa thượng, thậm chí những em bé còi cọc
không chịu lớn người ta cũng gọi là hòa thượng. Chẳng ngờ, từ “hòa
thượng” lại có ý nghĩa tôn quý như vậy.
Tôi cười thích thú, chàng trai thiên tài, tính tình trầm lặng này đã trau dồi
cho tôi không ít kiến thức về Phật giáo. Vì vậy, dù hơn cậu ta khá nhiều
tuổi, nhưng sự trưởng thành của cậu ta khiến tôi có cảm giác chúng tôi là
những người đồng niên. Và cũng nhờ cậu, hành trình gian nan của tôi ngày
càng có thêm nhiều niềm vui.
Như thường lệ, sau khi kết thúc giờ học buổi tối, tôi ngồi ghi chép bên
đống lửa. Mặc dù đèn dầu trong lều trại cũng đủ sáng, nhưng tôi thích
không gian khoáng đạt bên ngoài hơn. Ngắm nhìn bầu trời đầy sao giữa sa
mạc hoang vu luôn khiến tôi được đắm chìm trong những cảm xúc mơ hồ
trong không gian thuộc về quá khứ miên viễn này. Gió đêm nay như đổi
tính, êm ái ru qua, chòng ghẹo những đốm lửa hồng bập bùng, tí tách.
Nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, tâm hồn trở nên thanh tịnh và lắng đọng
tựa khung cảnh này.