Thầy Quý giật mình ngẩng lên, nhìn tôi đăm đăm.
Tôi trở lại khu vực thực nghiệm quen thuộc, bận rộn với các hạng mục
kiểm tra, rèn luyện sức khỏe, uống thuốc tăng cường sức đề kháng. Các cán
bộ nghiên cứu mỗi ngày đều đến ghi chép số liệu về sức khỏe của tôi, tính
toán thận trọng từng con số. Đầu tháng Tám sẽ bắt đầu chuyến vượt thời
gian thứ năm của tôi.
Tận dụng thời gian rảnh rỗi, tôi tìm đọc tất cả các tài liệu về Rajiva và
thời kỳ Thập lục quốc. Cố gắng ghi nhớ mọi thứ, biết đâu sẽ có ích về sau.
Nhưng có nhiều tài liệu, càng đọc càng thấy khó hiểu. Bởi vì những ghi
chép về Rajiva đều quá ư ngắn ngủi, hàm súc, thậm chí tồn tại nhiều mâu
thuẫn. Ví như năm sinh, năm mất của Kumarajiva.
Có hai quan điểm khác nhau về thời gian Kumarajiva qua đời: Trong
“Truyện cao tăng” của nhà sư Tuệ Giảo, nhà Lương, thời Nam triều viết:
“Kumarajiva mất ở Trường An ngày hai mươi tháng Tám năm thứ mười
một đời Hoằng Thủy nhà Hậu Tần, cũng chính là năm thứ năm đời Nghĩa
Hy nhà Đông Tấn”. Như vậy tức là năm 409 sau Công nguyên. Nhưng
trong “Văn tế Pháp sư Kumarajiva”, Tăng Triệu lại viết: Kumarajiva mất
tại một ngôi chùa lớn vào ngày mười ba tháng Tư năm Quý Sửu, hưởng thọ
bảy mươi tuổi”. Năm Quý Sửu tức là năm thứ mười lăm đời Hoằng Thủy,
chính là năm 413 sau Công nguyên.
Nếu căn cứ theo quan điểm của Tăng Triệu, thì năm sinh năm mất của
Kumarajiva sẽ là 344 - 413 sau Công nguyên (hưởng thọ bảy mươi tuổi).
Nhưng nếu căn cứ theo quan điểm của Tuệ Giảo thì niên đại đó là 350 –
409 sau Công nguyên (hưởng thọ sáu mươi tuổi). Hầu hết các học giả trong
giới học thuật đều đồng tình với quan điểm của Tăng Triệu, vì Tăng Triệu
nhận mình từng theo học Kumarajiva hơn mười năm và ông qua đời sau
Kumarajiva một năm, do đó tính thiếu chính xác trong quan điểm của Tăng
Triệu là rất thấp. Và bởi vậy, trong đại hội Phật giáo Trung Quốc – Nhật