Thực ra, sau khi lên ngôi, Đoàn Nghiệp cũng chỉ sống thêm chưa đầy
năm năm. Ông ta bị giết trong trận chiến với Thư Cử Mông Tốn, để rồi sau
đó, Mông Tốn tự phong mình làm vua Bắc Lương. Đoàn Nghiệp qua đời ở
tuổi bốn mươi. Nhưng tất nhiên, tôi không nói những điều này cho ông ta
biết. Những câu chữ mà tôi sử dụng đều đã được chọn lọc kỹ lưỡng. Bởi
vậy, lúc chào từ biệt tôi và ra về, niềm hân hoan rạng rỡ vẫn còn trên gương
mặt Đoàn Nghiệp.
Người trong phủ bước ra, đó là Sukhala, vị quản gia năm nào. Ông đã trở
nên già nua, lụ khụ lắm rồi! Ngước mắt nhìn tôi hồi lâu mà không sao nhớ
nổi tên. Tôi mỉm cười hỏi ông Pusyseda có nhà không.
Ông đưa tôi vào nhà, nói rằng Pusyseda vẫn ở trong cung, tối mới về.
Ông nói sẽ đi mời phu nhân. Phu nhân ư? Tôi sững sờ, nhưng hiểu ra ngay
vấn đề. Pusyseda năm nay ba mươi hai tuổi, chắc chắn đã lập gia đình,
không biết vợ cậu ấy là người như thế nào? Tôi ngắm nhìn mọi thứ xung
quanh khi ngồi chờ ở phòng khách. Phủ quốc sư đã thay đổi rất nhiều so
với hồi Kumarayana còn sống. Cách bài trí rất trang nhã, không quá cầu kỳ
nhưng tinh tế, tỉ mỉ, cho thấy sự hiện diện rất rõ ràng của bàn tay phụ nữ.
Bầu không khí thẫm đẫm sắc màu Phật giáo trong phủ quốc sư trước kia,
này chỉ còn lại bức tượng Phật đặt trên bàn thờ ở một góc khuất trong gian
phòng.
Linh cảm có ai đó ở phía sau, tôi quay người lại, một cô gái người Hán,
dáng người dong dỏng, thân hình thon thả, dung mạo không quá mỹ miều,
nhưng đôi mắt cô ấy to và trong sáng, ở cô ấy toát lên nét dịu dàng, đoan
trang. Thấy tôi, cô gái khẽ cúi chào, đôi mắt lướt trên người tôi, có vẻ như
đang phỏng đoán mục đích của chuyến viếng thăm này. Tôi nghĩ có lẽ cô
ấy là vợ Pusyseda, vội vàng đáp lễ bằng tiếng Hán:
- Mong phu nhân lượng thứ cho sự đường đột của tôi. Tôi tới đây để nhờ
đại nhân giúp gặp mặt pháp sư Kuramajiva.