Thế là tôi kết thúc buổi lên lớp tiếp theo với tâm trạng đặc biệt phấn
chấn. Tôi đã giảng cho Kumalajiba về “Luận ngữ”. Những cuốn nhập môn
như “Tam tự kinh” tôi không có sách trong tay, mà cũng chưa thuộc hết và
điều đáng ngại hơn cả là, tôi không nhớ “Tam tự kinh” ra đời vào thời đại
nào. Để đảm bảo tính an toàn của trật tự lịch sử, tôi quyết định chỉ giảng
những cuốn ra đời trước thời Hán. Và cuốn đầu tiên, tất nhiên là “Luận
ngữ”, sau đó đến “Kinh thi”, rồi đến “Tả truyện” và “Chiến quốc sách”. Tôi
hy vọng tiền học phí từ nay đến khi khởi hành đi Tràng An sẽ đủ để tôi chi
tiêu trên đường.
Vừa ra khỏi cửa, Kumalajiba bỗng nhiên quay lại:
- Ngày mai quốc vương sẽ đến, chúng ta phải ra đón ngài, cô cùng đi
nhé!
Tôi vẫn chưa hết hưng phấn với kế hoạch đi Khâu Từ, nên hơi bất ngờ:
- Quốc vương đến đây làm gì vậy?
- Đến đón mẹ con tôi.
Sao kia? Vua của một nước mà phải đến tận nước khác đón mẹ con họ,
không thể tin nổi! Tôi vội túm lấy tay cậu ta kéo lại:
- Cậu nói đi, rốt cuộc cậu là ai? Vua Khâu Từ là cha cậu phải không?
Cậu là thái tử? Nếu không phải vậy thì vì sao nhà vua lại phải vượt ngàn
dặm xa xôi đến tận đây đón cậu.?
Kumalajiba kéo lại tay áo đang bị tôi nắm chặt, lắc đầu:
- Cô đừng nói như vậy, tôi không phải thái tử. Vả lại, Khâu Từ cách đây
có ba trăm dặm, đâu phải ngàn dặm xa xôi gì, hơn nữa, danh tiếng và xuất
thân...