của nước Tiền Yên, người bác Mộ Dung Thùy của cháu thừa lúc nhà Tiền
Tần chia năm sẻ bảy đã khôi phục nước Yên, sử gọi là nhà Hậu Yên. Cháu
còn có một người anh họ từng làm mưa làm gió chốn hậu cung của Phù
Kiên, là Mộ Dung Xung. Người chú Mộ Dung Đức của cháu đã xưng
vương sau khi nhà Hậu Yên của Mộ Dung Thùy bị tiêu diệt, sử gọi là nhà
Nam Yên. Chỉ có người cha Mộ Dung Nạp của cháu không có tiếng tăm gì,
vì đã bị Thái thú Trương Dịch nhà Tiền Tần giết chết.
- Vậy cô ơi, cô có thể hứa là chỉ mình cô biết họ tên thật của cháu được
không? Và nếu có mặt người khác, cô hãy gọi cháu là Mục Siêu được
không?
Chú nhóc ngẫm ngợi một hồi, quay ra mặc cả với tôi. Điệu bộ ông cụ
non ấy khiến tôi bất ngờ. Mới ba tuổi mà Mộ Dung Siêu đã già dặn và thận
trọng nhường vậy! Người ta nói: trẻ sao già vậy. Liên tưởng tới ngày sau, vì
muốn che mắt Diêu Hưng ở Tràng An, cậu ta đã giả điên suốt ba năm trời,
mới thấy sức chịu đựng và nhẫn nhục ở con người này lớn đến mức nào.
Những đứa trẻ ba tuổi trong thời hiện đại mới khác làm sao, chúng là cục
cưng của ông bà cha mẹ, lúc nào cũng được nâng niu chiều chuộng hết
mức. Mộ Dung Siêu thì khác, từ khi ra đời, cậu ta đã phải nếm đủ mùi đói
khát. Những năm tháng vì thiên tai địch hoạ mà phải lang bạt kỳ hồ sẽ
khiến người ta trưởng thành sớm hơn trong bất cứ bối cảnh nào.
Vị vua sau cùng của nhà Mộ Dung dắt tay tôi, dẫn vào một hang động tối
tăm, bên trong có rất nhiều người đang nằm co ro. Mộ Dung Siêu đưa tôi
đến trước mặt một người phụ nữ đã nhiều tuổi, một bé gái đang cho người
phụ nữ ấy uống nước. Mộ Dung Siêu lấy chiếc bánh giấu trong người ra,
chia cho bà một miếng, chia cho cô bé khoảng tám, chín tuổi kia một
miếng. Họ nhai nuốt ngấu nghiến. Ai có thể ngờ rằng người phụ nữ khốn
khổ, trông không khác gì một người ăn xin, sống trong hang động tồi tàn
này lại là một Vương phi. Bé gái này hẳn là Hô Diên Tĩnh, con gái của Hô
Diên Bình, người mà sau này sẽ trở thành vợ của Mộ Dung Siêu.