May quá, tôi nhanh trí viện ra cái cớ này để lòe cậu ta vì dù gì cậu ta
cũng là người nước ngoài.
Cậu ta nhìn tôi rất lâu, đúng vào lúc tôi bắt đầu lung lay vì lời nới dối
của mình, thì đột nhiên cậu ta tươi cười gật đầu:
- Ngải Tình nói rất có lý!
Cậu ta ngừng lại, suy nghĩ một lát rồi hỏi tiếp:
- Vậy theo cô, ngôi chùa hang đá này nên thiết kế ra sao để thể hiện được
sự uy nghi của Phật pháp?
- Cái đó...
Đâm lao phải theo lao thôi, nếu tôi không nói, chỉ e ngày sau, Thiên Phật
động này sẽ biến dạng. Tôi ngập ngừng hồi lâu, nhưng sau đó vẫn quyết
định trình bày hết suy nghĩ của mình:
- Trước tiên cần khai mở một động đá trong núi, ở giữa dựng các cột trụ,
đặt tượng Phật vào các hốc tường phía trước cột trụ, đường hành lang bên
trái và gian buồng phía sau sẽ vẽ các bức bích họa kể câu chuyện của Phật
tổ và các truyền nhân của ngài. Như vậy, tăng ni Phật tử có thể bái Phật ở
gian chính, sau đó vòng qua hành lang bên phải đi về phía buồng sau để
ngắm nhìn các tượng Phật ở tư thế nằm trên cõi Niết Bàn, cuối cùng, quay
lại gian thờ chính, ngẩng đầu lên chiêm ngưỡng những bức tranh thuyết
pháp của Di Lặc, Bồ Tát ở phía trên cửa ra vào hang đá. Các bức bích họa
sẽ được vẽ trong khung hình thoi, với ý nghĩa là núi Tu Di (Sumeru), hình
vẽ bên trong kể về câu chuyện của Phật tổ và luật nhân quả.
Nhìn vẻ mặt chất đầy nghi vấn của Rajiva, tôi hết sức lo lắng, tôi tiếp tục
lục lọi trong trí nhớ để tìm kiếm những tài liệu về Thiên Phật động Kizil: