lên trời xanh, đền đài, lầu các lẩn khuất giữa mênh mông tuyết trắng, tạo
cho khung cảnh vẻ thẳm sâu, tĩnh mịch, liêu trai.
Tôi nhận ra rồi, nơi đây, chính là khu vườn thượng uyển ở huyện Hộ của
mười hai triều đại hoàng đế bắt đầu từ thời nhà Tần, Hán, Đường… Diêu
Hưng đã cho xây dựng vườn Tiêu Dao trên khu đất này. Ngài còn hạ chỉ
xây một ngôi chùa trong khuôn viên khu vườn để nghênh đón Rajiva. Vì
điện thờ chính của chùa được lợp bằng mái rơm, nên đặt tên là chùa Thảo
Đường. Ngày sau, Rajiva sẽ lập đạo tràng dịch kinh ở đây, và tiến hành
dịch thuật hơn ba trăm cuốn kinh, luận. Chùa Thảo Đường được bảo tồn
đến tận ngày nay, tháp Xá lị của Rajiva được xây dựng trong khuôn viên
ngôi chùa này.
Đang mải nghĩ xem làm cách nào gặp được Rajiva, thì chúng tôi bị xua
vào một khoảng sân rộng, một phụ nữ chừng ngoài bốn mươi tuổi hướng
dẫn chúng tôi thay y phục. Đó là bộ trang phục của cung nữ; váy lụa đỏ,
hoa văn sặc sỡ. Sau khi thay xong xiêm y, chúng tôi được chải đầu, vấn tóc
thành búi cao, cuộn lại một vòng trên đỉnh đầu, sau đó cài lệch một chiếc
trâm kiểu cách. Đánh vật một hồi, soi gương, tôi thấy mình giống hệt người
phụ nữ trong bức tranh “Nữ sử châm đồ” (Lời khuyên răn của quan nữ sử)
của Cố Khải Chi.
Trang điểm xong, cả mười cô gái đều như được lột xác. Mấy cô gái kia
đều còn rất trẻ, nên khi được mặc những bộ xiêm y xinh đẹp, lộng lẫy, cũng
như bao thiếu nữ khác, họ trở nên vui vẻ, rạng rỡ, gương mặt họ toát lên
sức sống thanh xuân. Duy chỉ có Nghiêm Tĩnh là vẫn mặt ủ mày chau. Tuy
cô gái không muốn tiết lộ chuyện đời tư, nhưng tôi biết, cô đã lấy chồng,
đêm qua cô đã lặng lẽ khóc cả đêm.
Người phụ nữ trung tuổi tháo vát và lão luyện kia chỉ dạy cho chúng tôi
nghi lễ khi gặp Hoàng đế và buộc chúng tôi tập đi tập lại nhiều lần. Khi đã
chắc chắn không còn lỗi sai, bà đưa chúng tôi đến đại điện. Hách Liên Bột
Bột đã chờ sẵn ở đó, hắn mặc bộ triều phục màu tím. Đó là một kiểu trang