tả khi hay tin “người bạn tri kỷ” sắp tới Trường An trợ giúp chàng dịch
thuật kinh văn. Hơn hai mươi năm mới gặp lại, họ có rất nhiều điều muốn
nói với nhau. Tôi để hai người được thoải mái chuyện trò, hàn huyên, còn
mình thì tập làm quen với nơi ở mới dưới sự hướng dẫn của Tăng Triệu.
Tôi dạo quanh một lượt khu nhà, gặp ai Tăng Triệu cũng dừng lại,
nghiêm nghị giới thiệu với họ tôi là ai. Khi gặp lại tôi, các đệ tử Khâu Tử
của Rajiva đều nhận ra tôi. Mặc dù vô cùng kinh ngạc, nhưng họ vẫn tỏ ra
rất mực cung kính với tôi. Tôi cũng không muốn giải thích gì nhiều, chỉ
mỉm cười nói với họ rằng, tôi vừa từ nhà mẹ đẻ trở về.
- Rajiva, chàng mệt không?
Tôi đặt thêm lên bàn một chạc đèn gồm ba cây nến, dùng kéo cắt bỏ đầu
bấc đã cháy đen. Căn phòng sáng lên rất nhiều, nhưng vẫn không thế so
sánh với bóng đèn thời hiện đại. Nhìn bóng tôi và chàng quấn quít trên rèm
cửa sổ, chợt nhớ đến câu thơ của Lý Thương Ẩn: “Bao giờ chung bóng
song Tây, Còn bao nhiêu chuyện núi này mưa đêm”[5].
[5] Câu thơ trong bài “Dạ vũ ký bắc” (Đêm mưa gửi người phương Bắc),
bản dịch của Tương Như.
Lòng chợt thấy ấm áp lạ.
- Ta không mệt.
Chàng chấm đầu bút lông vào nghiên mực, tiếp tục công việc viết lách,
nhưng chốc chốc lại đưa tay lên dụi mắt. Ngồi cách bàn viết càng xa, mắt
chàng càng nheo lại.
- Chàng dừng lại một lát đã.
Tôi dịu dàng lên tiếng, lôi trong ba lô ra chiếc kính lão, đeo lên mắt
chàng.