11: KHAO KHÁT ĐƯỢC TÁN THÀNH
Giả sử bạn cho rằng việc bị ai đó phản đối là một điều hết sức khủng khiếp.
Vậy thì tại sao việc bị phản đối lại mang đến cảm giác đó cho bạn? Có lẽ lập
luận của bạn sẽ kiểu như thế này: “Nếu có người phản đối mình, tức là mọi
người sẽ phản đối mình. Điều này có nghĩa là mình đã sai ở đâu đó.” Nếu bạn
nghĩ như thế, vậy thì bạn sẽ cảm thấy vui sướng mỗi khi được khen ngợi. Lý
do là, “Mình nhận được phản hồi tích cực nên mình có quyền cảm thấy tự hào
về bản thân.”
Lẽ tự nhiên là sự tán thành khiến chúng ta cảm thấy vui. Điều này không có
gì sai trái cả. Tương tự, sự phản đối và từ chối thường khiến chúng ta cảm thấy
khó chịu. Điều này thuộc về bản tính con người và hoàn toàn có thể hiểu được.
Nhưng nếu bạn tiếp tục tin rằng sự tán thành và phản đối là thước đo đúng đắn
và duy nhất về giá trị bản thân, thì bạn tự đặt mình vào một tình thế hiểm nguy
đấy. Sự tán thành hoặc phản đối của người khác không hề có khả năng tác
động đến cảm xúc của bạn, trừ khi bạn tin rằng những điều người đó nói là
đúng.
Nếu bạn tin rằng bạn xứng đáng với lời khen của họ, thì chính niềm tin của
bạn giúp bạn cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, cái giá mà bạn phải trả cho khao
khát được khen ngợi chính là sự tổn thương sâu sắc trước ý kiến phản hồi từ
người khác. Người ta có thể lợi dụng điểm yếu này để thao túng bạn.
Nếu có người phản đối bạn, thì vấn đề có thể nằm ở bản thân anh ta hay cô
ta. Sự phản đối thường phản ánh những suy nghĩ phi lý của người khác. Hãy
xét một ví dụ hết sức điển hình, đó là tuyên bố mang nặng tính thù hằn của
Hitler về việc dân Do Thái là hạ đẳng.
Tuyên bố ấy không hề phản ánh giá trị bên trong của những người Do Thái
mà Hitler muốn tận diệt.